Trình Đồng Mở Phủ - Ý Nghĩa Các Nghi Thức Trong Canh Đàn
Theo dõi Tử Vi Cải Mệnh trên- 72 Lượt xem
- Cập nhật lần cuối 26/10/2023
Trình Đồng Mở Phủ là một nghi lễ vô cùng quan trọng trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, là bước khởi đầu xin nhập đạo, trở thành đồng nhân cửa đình thần Tam, Tứ phủ. Nguyện cắt tóc làm tôi, nối đời làm con cửa Đình Thần.
Trình Đồng Mở Phủ là một nghi lễ vô cùng quan trọng trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, là bước khởi đầu xin nhập đạo, trở thành đồng nhân cửa đình thần Tam, Tứ phủ. Nguyện cắt tóc làm tôi, nối đời làm con cửa Đình Thần.
Đàn tràng dĩ biện đăng trúc hương hoa, phẩm vật tri nghi… tiến cúng đình thần hồi đồng chuẩn nạp
Tại ban đại diện Thiên Phủ, Thoải phủ, Địa phủ, Nhạc phủ bày biện để thực hành nghi lễ mở phủ có: Trứng (nam 7 quả, nữ 9 quả) trầu cau, gạo, gương lược, sách bút, kéo, nước hoa, xà phòng, khăn mặt, mâm son, choé, nước sông, khăn phủ hay gọi là khăn dấu (phủ nào khăn đấy).
Khi hành đàn các quan lớn Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam, Đệ Tứ về sẽ khám đàn, khám phủ, khai quang cho đồng nhân, lấy khăn phủ buộc vào tay xong lấy trứng để “bóc vỏ soi lòng”, sau cầm gáo đồng (có nơi dùng gáo dừa để chọc chum lấy nước trong chum (chóe), trước là tắm tưới cho trứng ( tượng trưng cho 7 hoặc 9 vía tắm vía ) k tắm cho con phủ ), sau cho đồng nhân, rồi tắm tưới cho cây non (trồng cây đắp nấm), lấy quạt quạt cho đồng, gương lược chải suốt cho đồng, sau lại ban cho lộc hoa lộc quả, ban cau trầu, cấp lương, cấp thực cho đồng rồi lau mặt ban nước thơm…vv.vv Lại lấy khăn buộc vào tay chít lên đầu đồng tân lấy sổ bút ghi biên chứng nhận đồng nhân phó úy về các cửa cho an yên bản mệnh, và nghi thức bắc cầu tứ phủ thường được thực hiện cuối cùng (tùy dòng đồng).
Quan lớn đệ Ngũ Tuần tranh tán đàn, chú tiễn long chu tượng mã, thuyền rồng bát nhã phủ nào về phủ đấy.
Chầu bà đệ nhị (hoặc Chầu Lục, Chầu Bé) đại diện sơn trang về chứng đàn tràng, nhận cơi trầu, trình lính trình đồng và sang khăn, sẻ bóng cho đồng nhân.
Trong lễ mở phủ, ngoài việc thực hiện các pháp cúng như thỉnh phật tuyên kinh, phát tấu, cúng tứ phủ, khao sơn trang, cúng hạ ban, cúng thí thực… đã được hoàn thành trước đó. Trong canh hầu các giá pháp sư cũng lên tuyên sớ trạng và kêu tấu xin Chư Thánh chứng đàn chứng lễ và cho đệ tử xuất thủ trình đồng.
Cung văn dâng văn tùy theo từng giá đồng và có các đoạn văn tương ứng khi chư Thánh giáng đồng thực hiện các nghi lễ. Nhạc cụ gồm có đàn, trống, sáo, phách… để dẫn hát trong mỗi giá hầu.
Sau khi hoàn tất những nghi thức mở phủ, từ đây, đồng tân sẽ theo thầy để tu tập tịnh tấn, sau này tùy duyên nghiệp hành đạo đúng phép, đúng lề lối, noi gương chư Thánh sống tốt đời đẹp đạo.
Đó là cơ bản về các nghi thức trong một lễ mở phủ. Người ra đồng giờ khá ồ ạt, các khóa lễ và hầu mở phủ diễn ra liên tục nên người ta gần như đã quá quen với các nghi lễ này.
Nhưng ý nghĩa những nghi lễ này là gì thì không mấy người để ý hoặc biết rõ, dù là người mang danh đồng thầy mở phủ. Đôi khi người ta chỉ chăm chăm làm theo, học theo cách người khác làm.
Khi thực hành nghi thức mà không hiểu bản chất, ý nghĩa của nghi thức thì chỉ là có hình không tướng, mất đi sự cao đẹp và tôn nghiêm của nghi thức.
Nay nói thêm cho rõ:
Trước tiên phải khẳng định, Đạo Mẫu là đạo thuần Việt. Nghi lễ mở phủ cũng vì vậy mà thuần Việt từ các bày biện đàn tràng, từ ngôn từ sử dụng và cả các nghi thức…
Nên biết rằng: theo quan điểm thuần Việt thì nước là đứng đầu và luôn có trước.
Tại sao vậy?
Xưa Việt Nam được gọi là nước Xích quỷ (phương Bắc gọi) nhưng các vùng lân cận gọi Việt ta là “Xứ văn thân” hay “đồ đằng văn thân”. Chính bởi xưa kia mỗi mùa nước lên ngập lụt khắp chốn, người Việt xưa phải săm mình giống giao loài thủy tộc ( thậm chí tổ tiên của người Việt cũng là thủy tộc (Long Quân) vì để hợp và giống với loài thủy tộc như cá sấu, thuồng luồng, baba… nhằm để không bị những loài này tấn công. Truyền thống này vẫn duy trì mãi đến đời vua Trần Anh Tông ( vị vua đầu tiên bỏ tục và vũng ko xăm mình và vị vua đầu tiên tử trận ) vào thời đó mới cho phép tùy ý người dân chứ không bắt buộc.
Lại nói: Người Việt gốc xưa hay gọi là người giao chỉ bởi đặc điểm bàn chân ngón cái bị biến dạng và chụm 2 ngón cái về phía nhau. Thực ra không phải bởi di truyền học mà bởi môi trường sống xưa của người Việt bao quanh bởi nước, bởi bùn lầy. Người ta đi chân trần xuống bùn lầy lâu ngày các ngón và bàn chân từ bị tác động lực đến viêm khớp… lâu dần mới bị như vậy.
Hay về ngôn ngữ:
+ Như “non nước” hay “đất nước”, “nhà nước” cũng là từ thuần Việt. Còn từ “tổ quốc” lại khác, đó là từ gốc từ hán Trung Quốc.
+ Từ Thoải cũng vậy, Thủy là nước nhưng Thoải có ý nghĩa dưới thấp. Thoải phủ ý chỉ phủ thấp chứ không đơn thuần là thủy. Nhưng lại nhớ rằng “nước chảy chỗ trũng”, nên “non nước” Việt Nam ý chỉ trên cao và dưới thấp chứ không dùng từ “sơn thủy” hay “tổ quốc”.
Hơn nữa thoải có trước bởi xưa kia các cụ luôn mơ về dòng sông vĩnh hằng, xuất phát bởi ngày xưa nước trũng vây quanh người chết nhiều, mộ thuyền và thủy táng nhiều…
Nghi lễ mở phủ bởi thế luôn có nước là điều bắt buộc tất yếu. Các nghi thức như chọc chum chóe, tắm trứng, bắc cầu đều liên quan đến hình tượng “nước” là vì vậy.
Nước được dùng trong nghi lễ mở phủ là nước trên trời rơi xuống, đọng chỗ nào đó thành ao hồ, sông suối… “Hồ đầy lại hết, hồ vơi lại dềnh”, dềnh ý chỉ là đầy lên.
Khi mở phủ người ta thường lấy nước sông hoặc nước mưa cho vào chóe hoặc chum, bôi hồ dán giấy màu lên miệng chum chóe. Các dấy dán này cũng theo màu sắc của tứ phủ Việt Nam chứ không theo quan niệm ngũ hành Trung Quốc.
VD: Thoải phủ Việt Nam màu trắng trong khi thoải phủ Trung Quốc màu tím. Hay Thiên cũng thế thôi, không phải chỉ tượng trưng cho hỏa mà màu đỏ là màu của sáng tạo, trời đất, của lửa…
Trình Tự và Ý nghĩa các nghi thức Mở Phủ
Trình tự cơ bản và ý nghĩa từng nghi thức trong lễ mở phủ như sau (Quan lớn giáng đồng thực hiện nghi thức):
“Quan về mở phủ khai đàn
Thiên Ðiạ Thuỷ Nhạc tôn quan tấu trình
Tấu lên cho tới Thiên đình
Nhận đồng chấp lính thượng trình Vua Cha
Tấu lên Phật Thánh trên toà
Khai đàn mở phủ khảo tà thu tinh”
-
Bóc vỏ soi lòng: Bóc bỏ giấy bọc quả trứng.
Xưa quan điểm người Việt sinh ra từ trứng (bọc trăm trứng) chứ không phải “ bọc trăm con”. Quan niệm “ cha rồng mẹ tiên”, tiên tượng trưng cho hạc (mẹ Âu Cơ) và cha Lạc Long Quân tượng trưng cho rồng, đẻ ra “trứng”. Nên xưa các cụ mới hay có câu: “trứng nước”, “ từ trong trứng nước”…
Nên nhớ người Việt luôn nhớ và hiểu rằng mình là con của giống “Rồng”, bởi linh vật vật tổ của người Việt Là Tiên là Rồng. Còn linh vật vật tổ của Trung Quốc không phải là rồng mà là rắn (Nữ oa).
Vì là vật tổ nên người Việt Nam luôn coi trọng rồng, coi là thiêng liêng. Nhưng Trung Quốc thì có khi hình tượng rồng chỉ là vật cưỡi của 1 số vị thần tiên.
Chính vì luôn coi mình là con rồng cháu tiên, sinh ra từ trứng nên canh đàn mở phủ có nghi thức bóc vỏ soi lòng, tượng trưng cho việc soi tâm soi tính người ra trình đồng, soi căn soi mệnh và cũng là tượng cho việc sinh đẻ (đẻ đồng).
Nhớ là “đẻ đồng” chứ không phải là “sinh đồng”. Đẻ là từ Việt còn “sinh” là từ Hán . Bởi là phong tục nghi lễ thuần Việt nên tên gọi các nghi lễ cũng luôn dùng từ thuần Việt là vì vậy.
“Đẻ đồng” ở đây trước là ý chỉ nghi thức bóc vỏ soi lòng, sau nữa là xuất phát bởi quan điểm người mở phủ dù không phải cha mẹ đẻ nhưng hãy thương con đồng như là con của mình.
“Trứng rồng lại nở ra rồng
Hạt thông lại nẩy chồi thông rườm rà”
-
Khai hồ, tắm tưới
Quan về dùng gáo đồng (có nơi dùng gáo dừa) để chọc chum lấy nước trong chum (chóe) tắm tưới cho trứng vừa bóc vỏ soi lòng, dùng nước khai hồ này tắm tưới (tượng trưng 1 ít nước) cho người được mở phủ, là thủ tục về tâm linh tượng trưng ý là tắm tưới cho cả phần âm phần dương.
Lấy nước tắm tưới cho đồng để loại bỏ thanh lọc đi những gian truân, bụi bặm của trần gian, để bước vào canh đàn khóa lễ thân tâm sạch sẽ.
“Nước tiên rửa sạch bụi trần
Cho an bản mệnh cho thân vững vàng”
Tắm cho số trứng còn lại gọi là tắm con phủ hay tắm vía .
-
Trồng cây đắp nấm…
Xưa quan lớn lấy nước trong chum (chóe) tưới cho cây sau đó sang tai lai lời chỉ định các cây này sẽ được trồng ở đâu, lí do tại sao.
Trước kia, khi mở phủ chéo cho đồng thì chỉ đến giá Quan lớn đệ nhị ngài mới thực hiện nghi thức Trồng cây đắp nấm, tưới tắm cho cây, chỉ định trồng cây và bắt buộc phải có đủ 4 cây (là các loại cây non, cây giống ăn quả, lâu năm…) do gia chủ (người nhà tân đồng) chuẩn bị sẵn từ trước. giá quan lớn đệ nhị thượng ngàn về, ngài trồng cây đắp nấm, sang tai lai lời và luôn có chỉ định rõ ràng phù hợp với căn cơ của từng con đồng: Đồng nhân này có duyên tu nhiều kiếp nơi cửa Phật, mang cây này trồng nơi cửa chùa cho tâm tính được bình an; đồng nhân này căn cơ sâu nơi cửa thoải, mang cây này trồng tại đền chỗ gần cung thờ cửa Thoải cho mát mẻ; đồng nhân này được ăn lộc chúa bà Sơn Trang, mang cây này trồng lại cảnh cửa Chúa Bà; đồng nhân này được Thành hoàng bản cảnh gia hộ dẫn tu, mang cây này trồng tại đình làng; đồng nhân này được bà cô tổ đang phụng sự cửa Thánh gia hộ, mang cây này về trồng tại khu đất nhà thờ tổ dòng họ hay mang cây này về nhà trồng đắp….
Gia chủ cùng tân đồng cứ y theo đó mà thực hiện … thường thường đến đền/ chùa/ đình/ miếu vừa là lễ Thánh, vừa là qua vun xới thêm cho cây được tươi được tốt, cũng là ngưỡng mong chư Phật Thánh giang tay che chở cho con đồng cùng gia chung gia tiên đồng nhân được mạnh khỏe đề đa, gia chung hưng thịnh phát triển.
“Cho cây xanh lá nở hoa
Dân an quốc thái, thịnh hòa yên vui”
Ngày nay khoa mở phủ thì gần như tất cả các giá quan lớn đều thực hiện tưới tắm cho cây, nhưng cũng chỉ có 1 -2 cây biểu trưng, chẳng bắt buộc là cây non, cây giống ăn quả nữa, cũng chẳng yêu cầu người nhà gia chủ chuẩn bị mang từ nơi xa đến mà có khi là mượn luôn chậu cây tại đền điện nơi mở phủ, khóa hầu xong lại mang cây trả về chỗ cũ. Cũng bởi thời thế thay đổi, nghi thức này chỉ còn mang ý nghĩa tượng trưng và thủ tục.
-
Lau mặt, rửa mặt cho đồng con để sạch sẽ, sắc diện tốt tươi, thông minh và được khai sáng.
+ Sái tịnh nước hoa cho đồng, cho thân thể sạch sẽ, thân tâm tẩy rửa, mát mẻ dịu đi những đau khổ, bệnh tật.
+ Dùng quạt: Trước là quạt sạch nghiệp chướng, sau là quạt cho đồng được tươi được tốt, mát mẻ thanh tịnh thân tâm ...
+ Cài hoa trang điểm cho đồng được tốt tươi sắc diện
+ gương và lửa khai quang khai sáng cho đồng đươc thông minh ........ sắc diện thán tâm tốt đẹp.....
“Đồng thanh, bóng lịch, khôn ngoan
Tâm thần hoan lạc đảm đang mọi bề”
-
Lấy lược gỡ rối
Ngày xưa các cụ hay bị kết tóc, giờ ít người bị nhưng vẫn có.
Lược này chải với ý nghĩa gỡ đi những cái rối của trần gian khiến tâm con đồng vướng mắc, gỡ đi cái dở dang, khúc mắc của việc âm việc dương để con đồng từ nay được an yên nhập đạo tu tập.
-
Ban tài ban lộc: gạo, giống cây, lộc tiền…
“Ông về cấp thực cho đồng
Cấp ngân cấp xuyến cho đồng đề đa”
Nghi thức này mang ý nghĩa cho đồng nhân được có lộc có tài, có ngân có xuyến từ nay yên ấm gia chung thuận hòa, lo chu toàn việc đời việc đạo.
-
Cắt tóc
Nghi thức cắt tóc này có 2 ý nghĩa:
+ Thứ nhất là: Cắt đi những dung tục của trần thế, cắt đi những mắc nối về dây âm phủ còn vướng từ kiếp trước kiếp trước nữa, cắt đi những hận thù oan gia nghiệp lực bám theo.
+ Thứ 2 là : Cắt tóc thề
“Nguyện đời cắt tóc làm tôi
Nguyện theo Phật Thánh nối đời làm con”
Từ nay trở đi đồng nhân nguyện “trên theo Thánh dưới theo đồng thầy”, vào đạo tu đạo không được đơn sai.
Xưa quan niệm tóc rất quan trọng, người ta rất sợ cắt tóc nếu không phải sự kiện trọng đại trong đời ắt không cắt tóc. Cho thấy ý nghĩa vô cùng quan trọng của nghi lễ mở phủ đối với đồng nhân nói riêng và người dân Việt Nói chung.
-
Phê biên, Phó úy theo căn mệnh
“Tấu lên thiên địa thủy tề
Tấu lên Thượng giới tấu về Thoải cung
Dấu thiêng Tứ phủ uy hùng
Châu phê ngọc bút sắc rồng Thiên cung”
Quan lớn về phê biên phó úy cho đồng nhân về đúng cung đúng cửa, tấu lên các cửa tứ phủ chứng cho đồng nhân được ra nhập cửa đạo Thánh.
Nghi thức này có ý nghĩa rất quan trọng và cần là thầy đồng có tâm có năng lực. Bởi nếu kêu tấu không được và phó úy về sai cửa thì việc tu tập của đồng nhân sau này do căn mệnh chưa an yên nên khó lòng tu tập, dễ sinh cơ.
-
Thắt khăn dấu (khăn tứ phủ)
Quan lớn ngài thắt khăn dấu (khăn tứ phủ) lên đầu đồng nhân (nay dùng khăn xếp, khăn dấu được thắt vòng qua khăn xếp) tương ứng từng phủ: Thiên (khăn đỏ), Nhạc (khăn xanh), Thoải (khăn trắng), Khâm sai (Khăn vàng).
Đánh dấu đã là con đồng quy hàng Thánh môn.
-
Quấn cầu: Nên nhớ “Cầu” khác “kiều” (Trung Quốc).
Xuất phát bởi quan điểm người Việt là thượng thoải, cầu qua núi, cầu bắc qua sông qua suối…Trên cao dưới thấp đều có nước, đi lại khó khăn nhiều chướng ngại, những cái cầu bắc qua sông suối vô cùng quan trọng, giúp cuộc sống đỡ gian nan vất vả, vượt được khó khăn đường xa thác gềnh trắc trở…
Dưới Âm cũng có cầu ...... cây cầu nối liền Âm dương ....
Ý nghĩa tượng trưng của nghi thức quấn cầu khi mở phủ cũng vậy, biểu đạt mong muốn bắc cây cầu cho con đồng từ nay trở đi đi đến đâu cũng thuận lợi, bước vào đạo được thuận lợi, từ nay trở đi được bắc cầu qua bến mê, qua đau khổ cuộc đời, vượt qua những cái gian truân vất vả bước vào đạo và tu đạo.
Đây là cây cầu tâm linh tu đạo mà cũng có ý nghĩa cuộc sống đời thường , tượng cho mong muốn mọi sự trong cuộc sống của đồng nhân được thuận lợi.
Cũng là bước lên cây cầu nhập đạo đã quấn ( cầu đã quấn ko trải lại ) vì vậy con đường đó ko bao giờ có thể quay trở lại chỉ có tu đến mãn chiều xế bóng về với nhà Thánh. ( ra thì dễ giữ lễ mới khó ở chỗ này ) cây cầu tâm linh đó giờ thành cuốn cho họ ra để diễn xướng đau lòng lắm.
Ghi chú: Nghi thức SANG KHĂN SẺ BÓNG cho đồng. KHÔNG ĐƠN GIẢN!
Chầu bà đại diện cho các bà Mẹ ( chầu mới đẻ quan cô cậu hoàng ko đẻ đồng) về nhận cơi trầu, trình lính trình đồng, ban tài ban lộc và sang khăn, sẻ bóng đồng nhân.
Đây là nghi thức tượng cho việc đồng nhân được chấp thuận nhận đồng, chứng tâm cho đồng, từ nay người được mở phủ trở thành đồng tân lính mới cửa đạo.
Về hình thức thì việc đồng thầy hầu giá chầu và sang khăn cho đồng tuy khá đơn giản nhưng lại có ý nghĩa và cần năng lực thực sự.
Tại sao vậy?
Bởi vì việc đồng thầy sang khăn sẻ bóng không đơn giản là nghi thức chấp thuận của nhà Thánh khi nhận đồng, mà còn là trách nhiệm của đồng thầy khi nhận đồng con. Người đồng thầy mở phủ cho đồng con từ sau lễ mở phủ này phải có trách nhiệm “đỡ bóng” cho đồng con, nhất là trong 3 năm đầu mới mở phủ.
Lúc này đây có sợi dây liên kết giữa đồng thầy và đồng con trong tu đạo. Đồng thầy trực tiếp đỡ căn mệnh cho đồng con, trực tiếp kêu tấu cho đồng con với nhà Thánh, trực tiếp dạy đồng dạy đạo cho đồng con về kiến thức lề lối tu đạo, đồng thầy cũng phải chịu trách nhiệm nếu như đồng con làm sai phép sai luật hoặc học hành chểnh mảng hay đơn sai trong giai đoạn đầu tu tập.
Chính vì vậy, người thầy có đạo không bao giờ mở phủ quá ồ ạt mà luôn cân nhắc: Trước là nhân duyên thầy trò, sau là căn cơ và khả năng đỡ bóng của bản thân. Bởi đã nhận đồng con và mở phủ sang khăn sẻ bóng cho đồng là đã hứa với Chư Thánh có trách nhiệm dạy dỗ “đỡ bóng” cho đồng con. Trách nhiệm này rất nặng nề.
Những đồng thầy nối đạo nếu là truyền thừa trong dòng đồng thường chỉ nhận mở 3-5 người, những người có lệnh khai hồ mới được mở nhiều người hơn và cũng phải xem xét kỹ lưỡng.
Sau 3 năm cấp sắc cho đồng nhân, trách nhiệm đỡ bóng này vẫn còn nhưng sẽ nhẹ nhàng hơn bởi lúc này đồng con được xác nhận đã vượt qua cấp độ tân đồng mới học và vào đạo. Đồng con phải tự nỗ lực tu tập phần nhiều, đồng thầy lúc này vẫn dạy đạo, dẫn đạo nhưng chủ yếu là có trách nhiệm giám sát, kêu tấu cho những việc cần thiết.
Đó là với người thầy mở phủ có tâm và cũng phải hiểu đạo. Còn với những người nhận mở phủ cho người mà không đỡ bóng cho đồng, không dạy dỗ bảo ban và kêu tấu cho đồng con theo kiểu “sống chết mặc bay” thì lại khác. Chỉ khổ đồng con, cơ hành, điên đảo và dễ sái tâm lệch khỏi đường đạo.
Bởi thế, trình đồng mở phủ vô cùng quan trọng với đồng nhân và việc có người thầy tâm đức và đủ năng lực đỡ bóng cho mình cũng quan trọng không kém.
Ngày nay việc ra đồng ồ ạt, thầy mở phủ cũng nhiều, có thầy tâm đức nhưng cũng không ít những thầy tà thầy lừa và thầy tự phát tự xưng tự phong “thùng rỗng kêu to”.
Các nghi thức trong khóa hầu mở phủ đa phần vẫn được duy trì. Về quy trình thứ tự có đôi chút khác biệt nhưng cơ bản là vẫn khác đầy đủ. Tuy nhiên người thầy mở phủ cần hiểu rõ nghi thức và ý nghĩa của các nghi thức mở phủ để thực hành cho đúng và từ đó cũng hiểu trách nhiệm của mình không hề đơn giản khi đã chấp nhận mở phủ cho đồng, đừng mở phủ cho có theo kiểu “đem con bỏ chợ” hay “có hình không có tướng”…
Còn những người học đạo tu đạo và mong muốn nhập đạo cũng nên tìm hiểu cho kỹ trước khi ra mở phủ.
Giờ vì nhiều người ra đồng lại bị ghép thêm từ diễn xướng lên loạn thầy bà quá.
Bởi đạo Việt ta nhập đạo là tu đạo và phải hiểu đạo chứ không chỉ đơn giản là một buổi lễ, một hình thức diễn xướng đơn thuần.
Nguồn: Thầy Trần