Thánh Tích Ông Hoàng Chín Cờn Môn
Theo dõi Tử Vi Cải Mệnh trên- 38 Lượt xem
- Cập nhật lần cuối 26/10/2023
Ông Hoàng Chín là một trong Thập Vị Ông Hoàng Tứ Phủ, trong đó Ông thuộc hàng vị thứ chín. Sự tích giáng thế của ông được lưu truyền tại nhiều nơi với nhiều tích truyện khác nhau. Nhiều người cho rằng, hiện thân của Ông Hoàng Chín là cả hai người bao gồm Ông Hoàng Chín Cờn Môn và Ông Chín Thượng Ngàn.
Ông Hoàng Chín là một trong Thập Vị Ông Hoàng Tứ Phủ, trong đó Ông thuộc hàng vị thứ chín. Sự tích giáng thế của ông được lưu truyền tại nhiều nơi với nhiều tích truyện khác nhau. Nhiều người cho rằng, hiện thân của Ông Hoàng Chín là cả hai người bao gồm Ông Hoàng Chín Cờn Môn và Ông Chín Thượng Ngàn.
Sự tích về Ông Hoàng Chín Cờn Môn
Tương truyền rằng, vào thời Lý, khi còn sinh thời ông sống ở Nghệ An và đi thi nhiều lần nhưng không đỗ đạt. Sau đó, ông xuống tóc và ra cửa biển Cờn lập am miếu tu trì cứu vớt, giúp đỡ những người đi biển. Đồng thời, nơi đây cũng là điểm dừng chân nghỉ ngơi của các tàu thuyền qua lại. Tôn truyền, ông chính là người đã vớt và chôn cất cẩn thận thân y Thái Tử Nam Tống trong trận đánh với quân Nguyên. Có tài liệu ghi rằng, ngài đã cứu sống 3 mẹ con mẫu Cờn (Dương Quý Phi Thái Hậu). Khi đó, nếu ông nộp họ cho quan thì sẽ phải làm nô tì, còn để họ lang thang vất vưởng ngoài kia thì sẽ gặp nhiều cảnh khổ đau. Chi bằng tục huyền lấy họ để nương tựa, giúp đỡ lẫn nhau nhưng ngài lại bị cự tuyệt, vì quá buồn chán nên dẫn đến quyên sinh. Sau khi ngài hóa, Mẫu đọc di thư của ngài để lại và hiểu rõ được sự việc nên đã quyết định ra biển Cờn thác hóa. Hai người con cũng đi theo mẹ ra biển và thác hóa tại đây. (Cũng có tài liệu ghi chép rằng vào thời nhà Tống, khi quân Tống suy yếu trước quân Nguyên, Thái hậu Dương Quý Phi cùng ba công chúa chạy ra biển, bất chợt bão nổi lên nên bị chết đuối, xác trôi dạt vào cửa Cờn và được lập đền thờ).
Sau sự việc này, thuyền bè qua lại qua cửa Cờn đều cảm thấy được chở che và bình an vượt qua sóng bão. Nhân dân địa phương nhận thấy sự anh linh này nên đã lập đền thờ cho 3 mẹ con Mẫu ở lạch Cờn, đền thờ Hoàng đế Tống Đế Bính ở trên đỉnh núi, đền thờ ông Hoàng Chín ở ngoài biển, tất cả đều được phối hương linh vị ở đền Cờn. Nhân dân gọi Ông Hoàng Chín là Ông Chín Đền Cờn.
Giá hầu Ông Hoàng Chín Cờn
Ông Hoàng Chín Cờn thường rất ít khi về ngự đồng. Thường chỉ có những ai ăn lộc, sát căn duyên về đền thỉnh ông thì ông mới se loan giá ngự. Trang phục khi về ngự đồng của Ông là áo the đen, đầu đội khăn xếp đen, kiểu cách giống các thầy đồ xưa. Khi về ngự Ông Hoàng Chín thường làm thơ, viết chữ và ban phát tài lộc.
Tuy nhiên, khi về hầu giá Ông Hoàng Chín tại đền Sòng Sơn, Ông bắt buộc mặc áo đỏ the hồng, đầu đội khăn xếp đỏ. Lý do bởi vì Ông đang chầu Mẫu Sòng Sơn tại cung cấm nên phải mặc áo the đỏ để ra mắt Mẫu. Khi đó, mọi người gọi ông với danh Ông Hoàng Chín Sòng Sơn.
Đền thờ Ông Hoàng Chín
Đền thờ Ông Hoàng Chín tọa lạc ngoài cửa biển, nay thuộc đường ra bãi tắm Quỳnh Phương thuộc phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An. Nơi này còn có tên gọi khác là đền Cờn ngoài, còn đền Cờn trong thờ Tứ Vị Vua Bà.
Ban đầu, có một đền Cờn thờ chung Tứ Vị Vua Bà, Vua Tống Đế Bình cùng 3 vị tướng của ngài nhưng do quan niệm “Nam nữ thụ thụ bất tương thân” nên đầu thế kỷ thứ 19, vua Gia Long đã chuyển cung thờ Vua Tống Đế Bính cùng ba tướng ra đền Cờn ngoài cách chỗ cũ khoảng 1,5km. Đền Cờn cũ chuyển tên thành đền Cờn trong.
Đền Cờn ngoài gồm 3 gian đại bái với cách bố trí phối thờ như sau:
– Gian ngoài: Cung chính giữa thờ Quan Hoàng Chín, Quan Hoàng Mười, hai bên tả hữu là cung thờ Quan Nam Tào, Quan Bắc Đẩu; hai bên đầu hồi là cung thờ Cậu bé và Cô bé bản đền.
– Gian thứ hai là nơi thờ Ngũ Vị Tôn Ông.
– Gian thứ ba thờ Vua Tống Đế Bính và 3 vị tướng của ông là: Lục Tú Phu, Lương Thế Kiệt và Văn Thiên Tường
Ngoài ra, Ông Hoàng Chín Cờn còn được thờ tại đền Mẫu Thoải ở Long Biên, Hà Nội cùng với Công Đồng Tứ Phủ, Tứ Vị Vua Bà, Đức Thánh Trần.
Lễ hội đền Cờn
“Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng”
Có thể nói, đền Cờn được coi là nơi anh linh bậc nhất xứ nghệ, nơi có các vị thần linh đã từng phù hộ cho quan quân triều đình nước Việt trong cuộc chinh chiến.. Cũng vì thế, hội đền Cờn là lễ hội tiêu biểu nơi đây, thu hút hàng ngàn du khách thập phương về tham quan, thưởng ngoạn và chiêm bái hằng năm.
Lễ hội đền Cờn được tổ chức vào 19 đến 21 tháng Giêng âm lịch hàng năm cùng với các lễ tế kéo dài tới tháng 3 âm lịch. Phần lễ bao gồm các lễ như: lễ khai quang, lễ yết cáo, lễ khai hội, lễ cầu ngư, lễ rước voi, rước ngựa, lễ hợp tế, lễ yết vị, lễ đại tế và lễ tạ. Phần hội bao gồm các chương trình như: văn nghệ, triển lãm ảnh, đua thuyền, đẩy gậy, bóng chuyền, kéo co và các trò chơi dân gian truyền thống của địa phương.
Trong thời gian kháng chiến chống Mỹ, lễ hội không được tổ chức và được phục hồi lại vào năm 1999. Năm 2017, Lễ hội Đền Cờn được đón nhận bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Bản văn chầu Ông Hoàng Chín Cờn Môn
Hương một triện lòng thành kính tiến
Cung thỉnh mời Ông Chín Cờn Môn
Khâm thừa thượng đế chí tôn
Sai Ông Hoàng Chín Cờn Môn giáng trần.
Trên chín bệ cao thâm võng cực
Dưới bách thần mộ đức kinh luân
Cù lao chín chữ quần thần
Sinh Ông Hoàng Chín kinh luân gồm tài.
Văn thơ phú sánh ngài Đỗ Lý
Võ lược thao cái thế Tôn Ngô
Cung tên mã thượng giang hồ
Tuổi vừa đôi tám đăng khoa Triều đình.
Tuổi sinh thành công minh chính trực
Quyết về đời ra sức lược thao
Gặp cơn sóng gió ba đào
Mười hai cửa bể sớm chiều xông pha.
Cửa Cờn Môn dựng cờ soái lĩnh
Lệnh ông truyền nghiêm chỉnh ba quân
Một lòng vì nước vì dân
Trấn an cửa bể dẹp quân bạo cường.
Ông mở đường dân an quốc thái
Dùng phép màu cứu độ nhân sinh
Muôn dân hưởng phúc an lành
Nêu cao khí tiết oai danh muôn đời
Nước dù cạn công người không cạn
Đá dẫu mòn gương sáng còn soi
Anh linh lưu dấu muôn đời
Cửa Quan rộng mở cứu người hữu nhân.
Ngẫm cơ tạo xoay vần sống thác
Hãy tu đi rồi đẻ ngày mai
Xưa nay sinh hóa ở đời
Ông Hoàng giáng thế cứu người tồn sinh.
Phật hữu tình từ bi phổ độ
Quyết lánh đường có có không không
Làm nên thiên tứ đỉnh chung
Cho người có đức có công đó mà.
Chữ tu dưỡng gương nga vằng vặc
Bóng soi người hữu đức hữu nhân
Lánh đường đạo tặc tham sân
Tu nhân tích đức ngàn năm vẫn còn
Đức nhân sánh càn khôn vũ trụ
Công ơn người muôn thủa không phai
Nhang thơm dâng trước tiền đài
Nhớ ngày ông Chín ra đời cứu dân.
Tiết trùng cửu quy thần hạc lánh
Nhớ ơn Ngài dâng cánh hương hoa
Rượu quỳnh rót chén Đồ tô
Chúc Hoàng muôn tuổi đề thơ họa vần.