Sự Tích Quan Lớn Đệ Tam Thoải Phủ
Theo dõi Tử Vi Cải Mệnh trên- 38 Lượt xem
- Cập nhật lần cuối 26/10/2023
Quan Lớn Đệ Tam là một trong những vị Quan Ông hay về đồng nhất trong hàng Ngũ Vị Tôn Ông. Ông là vị Quan Lớn tài danh hàng đầu, nhiều ngôi đền được lập ra để thờ Ông và thu hút rất nhiều du khách tới tham quan và chiêm bái.
Quan Lớn Đệ Tam là một trong những vị Quan Ông hay về đồng nhất trong hàng Ngũ Vị Tôn Ông. Ông là vị Quan Lớn tài danh hàng đầu, nhiều ngôi đền được lập ra để thờ Ông và thu hút rất nhiều du khách tới tham quan và chiêm bái.
Sự tích về Quan Đệ Tam
Quan Lớn Đệ Tam là vị Quan Lớn đứng vị trí thứ ba trong hàng Ngũ Vị Tôn Ông, tên đầy đủ của Ngài là Đệ Tam Thượng Thiên Hoàng Thái Tử Vương Quan với sắc phong Thủy Tào Điển Sứ – Đệ Tam Thủy Thần Nhạc Đại Vương Thượng Đẳng Tối Linh Thần.
Lưu truyền rằng, vào thời Hùng Duệ Vương thứ 18, giặc ngoại bang tiến đánh xâm lược nước ta, các vị tướng giỏi, hiền tài cùng các vị thần linh được chiêu mộ để giúp Vua dẹp giặc. Khi sứ giả về đến đất Động Đào, dòng nước hai bên bờ sông cuộn sóng hồng âm vang trời, Đức Vua Cha Bát Hải cho sứ giả báo vua Hùng rằng Ngài sẽ triệu 2 em, 10 tướng, chiêu mộ binh sĩ giỏi trong vòng 10 ngày để phò vua cứu nước. Ba trong 10 vị tướng được chọn bao gồm Quan Lớn Thượng, Quan Đệ Tam và Quan Đệ Tứ xuất quân đánh giặc trên 8 cửa biển nước Nam, dưới sự chỉ huy của Vua Cha Bát Hải lúc này hiện thân thành vị tướng Phạm Vĩnh. Kết quả là 5 đạo quân Thục đã bị tiêu diệt gọn hoàn toàn.
Sau chiến thắng, Quan Lớn Đệ Tam được trao quyền cai quản vùng duyên hải từ sông Cái lên hết biên giới biển phía bắc Lạc Việt. Vào ngày 24/6, trong một trận đánh khác, Ông đã hi sinh tại ngã ba sông Bạch Hạc, xác Ông bị giặc chém làm đôi và ném xuống sông, phần đầu trôi về phía sông thuộc địa bàn làng Xích Đằng (Hưng Yên) còn phần thân thì dạt về phía ven bờ sông thôn Yên Lạc (Hà Nam). Nhân dân hai vùng đã vớt xác Ông lên, chôn cất và lập đền thờ để tưởng nhớ công lao Ông, nay là đền Xích Đằng và đền Lảnh Giang.
Về sau, mỗi khi có trận đánh trên sông Bạch Đằng, các vua tướng đều tới làm lễ cầu tạ tại đền thờ Đức Vua và đền thờ Quan Lớn Đệ Tam vì tin rằng Ngài sẽ phù hộ cho mà chiến thắng, như những thần tích Quan Lớn Đệ Tam thắng giặc trên vùng sông Bạch Đằng, rồi lại tỵ nhậm cai quản vùng đất này.
Xem thêm: Sự tích quan lớn đệ tứ khâm sai
Đền thờ Quan Lớn Đệ Tam
Trong tín ngưỡng Tam Tứ Phủ, Quan Lớn Đệ Tam là vị Quan Ông có vai trò lớn trong việc cai quản ‘đầu đồng’, bút phê sớ khảo. Ngài được thờ phụng khắp các khu vực sông nước và nổi tiếng nhất vẫn là hai ngôi đền được biết là nơi xác Ngài hóa trôi về.
Đền Xích Đằng – Hưng Yên
Đền Xích Đằng hay còn được gọi cái tên khách là đền Quan Lớn, nằm tại địa phận thôn Xích Đằng, phường Lam Sơn, tỉnh Hưng Yên. Đền được lập lên để thờ Quan Lớn Đệ Tam sau khi hóa, xác Ngài đã trôi dạt vào nơi đây.
Có một thời gian, vì sự sai lầm và nhầm lẫn của chính sách văn hóa nên ngôi đền bị phá dỡ hoàn toàn. Năm 1998, một người dân bản địa đã quyết tâm khôi phục và xây dựng lại ngôi đền khang trang cho tới ngày hôm nay, ông cũng trở thành thủ nhang hương khói cho ngôi đền. Trong đền Quan Lớn Đệ Tam vẫn còn lưu giữ rất nhiều cổ vật quý giá và cả những cây cổ thụ lâu năm linh thiêng. Vào năm 2009, một thầy đã tìm thấy di thể của Quan đệ Tam tại khuôn viên đền Xích Đằng và cho xây dựng thêm lăng mộ thờ Ngài tại đó.
Từ đó, ngôi đền đón tiếp rất nhiều du khách thập phương tới hành hương dâng lễ cũng như cầu lộc tài, bình an nơi Ngài. Nhất là trong những dịp đầu năm hay vào ngày hội của đền được tổ chức vào ngày 24 tháng 6 âm lịch (ngày hóa của Quan Đệ Tam), nhân dân khắp mọi miền tổ quốc lại qui tụ về đền thờ Quan Lớn Đệ Tam chiêm bái rất đông, để tưởng nhớ công đức của Ngài.
Đền Lảnh Giang – Hà Nam
Đền Lảnh Giang hay còn gọi là đền Lảnh thuộc địa phận thôn Yên Lạc, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Nơi đây ngoài thờ Quan Đệ Tam còn thờ ba vị danh thần họ Phạm đời Hùng Vương thứ 18 cùng Tiên Dung công chúa và Chử Đồng Tử. Các Ngài đều có công ơn phù dân vệ quốc lúc còn sinh thời và ngay cả khi đã hiển thánh. Năm 1996, ngôi đền đã được bộ Văn hóa Thông tin trao bằng chứng nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia.
Đền Lảnh Giang là một ngôi đền có kiến trúc quy mô, uy nghi, bề thế và mang đậm những nét cổ truyền của dân tộc ta. Nơi đây vẫn còn lưu trữ những cổ vật thờ cúng linh thiêng, mang giá trị nghệ thuật cao.
Hàng năm, ngày hội và tiệc của đền diễn ra vào hai đợt, đợt đầu tổ chức vào khoảng từ ngày 18 đến 25 tháng 6 âm lịch, dành cho du khách thập phương tơi tham quan, chiêm bái cửa đền và tìm hiểu về những giá trị tâm linh. Còn đợt sau diễn ra vào tháng 8 âm lịch, chủ yếu sẽ là dành cho nhân dân địa phương nơi đây. Nhiều năm vào dịp lễ hội, nước sông Hồng dâng cao nhưng nhân dân vẫn một lòng hướng về đền, vẫn bơi thuyền ra dâng lễ và thành tâm thực hiện đầy đủ các nghi thức đối với các vị thần linh tại đền.
Đền Tam Phủ Hàng Cót
Đền Tam Phủ là một ngôi đền cổ nằm tại địa chỉ số 52 Hàng Cót, phố cổ Hà Nội, đền nổi bật giữa tuyến phố với cổng nghi môn sơn vàng cửa đỏ, in chữ Hán Nôm.
Một số ngôi đền khác thờ Quan Đệ Tam
Ngoài những ngôi đền kể trên, Quan Lớn Đệ Tam còn được nhiều con nhang, đệ tử biết đến là được thờ phụng tại: Quần thể di tích đền Đồng Bằng (xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) và đền Tam Kỳ (TP. Hải Phòng, gần bến xe Tam Bạc).
Kinh nghiệm khi đi lễ Quan Lớn Đệ Tam
Mọi người quan niệm cho rằng, Ông là vị Quan Lớn tài danh hàng đầu vậy nên khi hầu hàng Quan Lớn Tứ Phủ, người ta rất hay hầu giá Quan Đệ Tam. Khi về ngự đồng, Ông vận áo trắng thêu rồng, đeo hổ phù, mạng trắng và đai trắng, sau đó Ông làm lễ tấu hương, khai quang, chứng sớ điệp , tay múa đôi song kiếm. Khi có đại tiệc khai đàn mở phủ, mọi người thường hay thỉnh Ông về chứng đàn Thoải Phủ , bao gồm có Long Chu Phượng Mã, Lốt Tam Đầu Cửu Vĩ, tất cả đều mang màu sắc trắng.
Dâng lễ Quan Lớn Đệ Tam
Hàng năm, du khách thập phương đổ về các đền thờ Quan Lớn Đệ Tam rất đông đúc và nhộn nhịp. Ai ai cũng đều sắm sửa bên mình mâm lễ vật thể hiện lòng thành kính, biết ơn dâng bái cửa đền.
Thông thường, các con hương sẽ sắm sửa một mâm lễ chay mặn tùy tâm, không cần phải quá sang nhưng cần lòng thành tâm, thành ý bên trong. Những vật lễ nên có thường bao gồm: hoa quả, hương nhang, phẩm oản, cút rượu, xôi gà,…
Bản văn Quan Lớn Đệ Tam
Trịnh giang biên doành ngân sở bắc
Đôi vầng hồng soi rạng nam minh
Con vua thủy quốc Động Đình
Đệ tam thái tử giáng sinh đền Rồng
Tài gồm vẹn thung dung hòa mặc
Bẩm sinh thành tư chất long nhan
Thỉnh mời thái tử đệ tam
Phi phương diện mạo dung nhan khác thường
Hằng tấu đối thiên đường thủy phủ
Chốn nam minh quy đủ bốn phương
Ra uy chấp chính kỷ cương
Cần cân nảy mực sửa sang cõi đời
Chốn long giai cầm quyền thay chúa
Phép màu quan tối tú tối linh
Lệnh truyền thủy bộ chư dinh
Sửa sang đai giáp chơi miền trần gian
Chiếc thuyền lan nổi dòng Xích Bích
Đua mái chèo du lịch bốn phương
Có phen tuần thú sông Thương
Trở về tỉnh Bắc, Quế Dương, Lục Đầu
Có phen ngự sông Dâu sông Hát
Khi lên ghềnh xuống thác vui chơi
Có phen ra lạch vào khơi
Sai quân lấy gỗ xoan đào chò hoa
Có phen chơi ngã ba tuần hạc
Bạn loan ngồi đàn hát vui chơi
Dạo xem phong cảnh mọi nơi
Qua hang Anh Vũ sang chơi nước người
Có phen chơi cửa đài cửa bích
Khi ra khơi vào lạch thảnh thơi
Thuyền rồng trăm mái chèo chơi
Dọc ngang sông tuần Lảnh là nơi đi về
Trải giang khê lên ngàn xuống biển
Lảnh Giang từ quý địa danh lam
Đền thờ tán tía kiệu vàng
Tả long hữu hổ thạch bàn uy nghi
Hóa tức thì lâu đài điện các
Dâng nước về thủy quốc một khi
Có phen lấy ngọc lưu ly
Đùng đùng dâng nước phép thì ai đang
Qua đại giang sông Thao, sông Cả
Kéo quân về đóng ngã ba Tranh
Xướng ca đàn hát tập tành
Thi ngâm phú đọc đàn tranh chơi bời
Có phen lại về nơi thủy phủ
Đóng cân đai áo mũ vào tâu
Dăm ba đồng tử theo hầu
Vào tâu Vương phụ ra chầu Mẫu vương
Cũng có phen phi phương biến hóa
Qua Nghệ An thượng hạ đại giang
Thuyền rồng chèo quế buồm lan
Khi chơi Bạch Hạc khi sang sông Cầu
Có phen ngự Nam lâu Bắc điện
Trở ra về đến huyện Thiên Tôn
Dạo miền thác cái thác con
Khi chơi sông Hát khi sang sông Bờ
Dạo thẩn thơ Tản Viên Tam Đảo
Truyền chư quân đôi đạo tiên phong
Chiêng kêu cờ phất trống dong
Bè sau thuyền trước giữa dòng lênh đênh
Trống cầm canh chiêng vang anh ỏi
Lốt xanh vàng chìm nổi dư muôn
Triều thần văn võ bách quan
Sai lên đón rước vương quan về chầu
Trên các lầu thơ ngâm phú đọc
Ngoài sân rồng ca chúc chén thiêng
Vua cha giá ngự ngai vàng
Phán đòi hoàng tử vương quan vào chầu
Ngự giờ lâu phán lời nhân thứ
Sai ông lên cứu trợ trần gian
Một tay hoàng tử vương quan
Cứu sinh cũng lắm độ oan cũng nhiều
Rầy ông đã về chầu nhân đức
Độ nhân gian vạn ức siêu sinh
Ông về tới chốn thủy cung
Khuông phù đệ tử khang ninh thọ trường