Lục Bộ Đức Ông Nhà Trần, Các Vị Trướng Tài Ba

Theo dõi Tử Vi Cải Mệnh trên ico-google-new.png
  • Viết bởi: Trâm Lê
    Trâm Lê Tôi là người yêu thích về chiêm tinh học, tử vi, phong thủy cổ điển và hiện đại
  • 87 Lượt xem
  • Cập nhật lần cuối 26/10/2023
  • Reviewed By Trần Chung
    Trần Chung Trần Chung là một chuyên gia trong lĩnh vực tử vi, phong thủy, và kinh dịch. Tôi đã học tử vi tại Tử Vi Nam Phái. Tôi nhận luận Giải Lá Số Tử Vi chuyên sâu, tư vấn phong thủy, hóa giải căn số cơ hành qua Zalo: 0917150045

Trong hệ thống Trần Triều, Lục Bộ Đức Ông Nhà Trần là 6 vị tướng tài tuy không mang họ Trần nhưng để lại công lao lớn gắn liền với lịch sử phát triển của nhà Trần nên luôn được phối thờ ở các Đền Trần Triều. Vậy 6 vị tướng tài này là ai? Công của các Ngài là gì ? Quyền phép và văn thỉnh của các Ngài là gì ? Quảng Nguyên mời bạn đọc cùng tìm hiểu dưới đây.

Trong hệ thống Trần Triều, Lục Bộ Đức Ông Nhà Trần là 6 vị tướng tài tuy không mang họ Trần nhưng để lại công lao lớn gắn liền với lịch sử phát triển của nhà Trần nên luôn được phối thờ ở các Đền Trần Triều. Vậy 6 vị tướng tài này là ai? Công của các Ngài là gì ? Quyền phép và văn thỉnh của các Ngài là gì ? Quảng Nguyên mời bạn đọc cùng tìm hiểu dưới đây.

Lục Bộ Đức Ông Nhà Trần, Các Vị Trướng Tài Ba


Lục bộ đức ông nhà trần

Hệ thống các vị Thánh nhà Trần

Tín ngưỡng thờ cúng nhà Trần được gắn liền với những sự tích về Đức Thánh Trần – một vị anh hùng dân tộc có công lao lớn dẹp giặc Nguyên.  Tín ngưỡng được hình thành từ quá trình thần hóa một nhân vật trong lịch sử có thật, anh hùng dân tộc là Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và con cái, tướng lĩnh hầu cận bên người tạo nên một hệ thống thờ tự chặt chẽ, lề lối với đủ các cấp bậc.

Các vị Thánh nhà Trần bao gồm: Đứng đầu là Đức Đại Vương Chính Cung (Cửu Thiên Vũ Đế Trần Triều hiển thánh Thái Sư Thượng Phụ Quốc Công Bình Bắc Đại Nguyên Suý Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương Thượng Thượng Thượng Đẳng Thần). Hầu cận bên Đức Thánh là các quan Nam Tào và quan Bắc Đẩu.

Tiếp theo Tứ Vị Vương Tử là con của Ngài gồm:  Đức thánh Cả (Khai Quốc Công Hưng Vũ Đại Vương Trần Quốc Nghiễn), Đức Phó Tằng (Tiết Độ Sứ Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Uất), Đức Thánh Tam (Khai Quốc Công Hưng Hiến Đại Vương, Đệ Tam Ông Cửa Suốt Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng), Đức Thánh Đệ Tứ (Khai Quốc Công Hưng Trí Đại Vương Trần Quốc Hiện).

Đi cùng với đó là Nhị Vị Vương Cô gồm: Đức Tiên Cô Đệ Nhất (Trần Triều Vương Nữ Đệ Nhất Quyên Thanh Công Chúa Trần Thị Trinh) và Đức Tiên Cô Đệ Nhị Đại Hoàng (Trần Triều Vương Nữ Đệ Nhị Đại Hoàng Công Chúa Điện Súy Phu Nhân Trần Thị Tĩnh).

Tiếp theo là đến Lục Bộ Đức Thánh Ông (đây là các vị danh tướng không mang họ Trần nhưng nằm trong công đồng Trần Triều và luôn được phối thờ tại các Đền của Trần Triều, các hàng lục bộ đều mặc áo đỏ, về bắt tà, đi trên than lửa, lưỡi cày nung nóng) gồm: Điện Tiền Phò Mã Phạm Tướng Quân; Tả Yết Kiêu Tướng Quân;  Hữu Dã Tượng Tướng Quân;  Nghĩa Xuyên Tướng Quân;  Hùng Thắng Tướng Quân; Huyền Quang Tướng Quân.

Và cuối cùng là Cô Bé Cửa Suốt, Cậu Bé Cửa Đông cùng chư quan tướng hạ ban Ngũ hổ Tướng Quân.

Xem thêm: Kinh trần triều

Lục Bộ Đức Ông Trần Triều

Điện Tiền Phò Mã Phạm Tướng Quân: Phạm Ngũ Lão

Lục Bộ Đức Ông Nhà Trần, Các Vị Trướng Tài Ba

Phạm Ngũ Lão

Ông Phạm Ngũ Lão (1255–1320) là một vị tướng nhà Trần trong lịch sử Việt Nam. Ông là người thuộc làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, tỉnh Hải Dương (nay thuộc huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, Việt Nam). Theo sách Tông phả kỷ yếu tân biên của Phạm Côn Sơn dẫn về gia phả họ Phạm, ông chính là cháu 8 đời của tướng Phạm Hạp thời nhà Đinh.

Trong tác phẩm Vũ Trung Tùy Bút của ông Phạm Đình Hổ có kể lại chuyện Phạm Ngũ Lão ra mắt Trần Hưng Đạo đại ý như sau: Hưng Đạo Vương đang cùng tuỳ tùng đi ngang qua Đường Hào thì thấy Phạm Ngũ Lão ngồi bên vệ đường đang đan sọt nên bị quân lính kéo đến dẹp lối đi. Phạm Ngũ Lão thấy vậy vẫn ngồi thản nhiên, như không thèm để ý đến ai cả. Quân lính liền cầm giáo đâm chảy máu đùi mà ông vẫn không nhúc nhích. Thấy vậy Hưng Đạo Vương dừng lại hỏi thì bấy giờ Phạm Ngũ Lão mới trả lời là đang nghĩ một câu trong binh thư nên không để ý. Biết là đã gặp người có tài, Trần Hưng Đạo mời ông ngồi cùng kiệu đưa về kinh sư. Từ đó Phạm Ngũ Lão trở thành một vị môn khách của Trần Hưng Đạo. Ông được Trần Hưng Đạo gả cho con gái của mình (giả làm con gái nuôi của Trần Hưng Đạo vì nhà Trần có quy định chỉ gả con gái cho người trong dòng tộc) là quận chúa Anh Nguyên.

Trong hai cuộc chiến chống quân xâm lược nhà Nguyên (1285-1288), Phạm Ngũ Lão đã lập được nhiều chiến công vang dội. Năm 1285, trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai ông đã cùng với Trần Quang Khải tiến đánh Chương Dương, Hàm Tử, đập tan đội binh thuyền khổng lồ của quân giặc và tiêu diệt chúng chiếm đóng Thăng Long. Sau đó, Phạm Ngũ Lão được lệnh mang 3 vạn quân phục kích địch ở Vạn Kiếp, ông đã chặn đường rút lui của địch lên biên giới phía bắc và diệt được hai phó tướng quân địch là Lý Quán và Lý Hằng.

Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ ba, Phạm Ngũ Lão đã cùng các tướng sĩ bày trận phục kích đường rút lui của địch trên sông Bạch Đằng. Trong trận này, quân nhà Trần đã bắt sống được các tướng nhà Nguyên là Phàn Tiếp, Áo Lỗ Xích, Ô Mã Nhi. Quân của Phạm Ngũ Lão tiếp tục truy kích cánh quân của Thoát Hoan trên đường bộ.

Năm 1290, vua Trần Nhân Tông phong Phạm Ngũ Lão chức vị Hữu Kim Ngô Đại Tướng Quân, giao cho ông cai quản quân Thánh Dực, . Đến đời vua Trần Anh Tông, ông được phong lên chức Điện Súy Thượng Tướng Quân, tước Quan nội hầu. Một người con gái của ông có hiệu là Tĩnh Huệ làm thứ phi của vua Trần Anh Tông.

Phạm Ngũ Lão đã ba lần cất quân đi dẹp giặc xâm chiếm, quấy nhiễu của quân Ai Lao vào những năm 1294, 1297 và 1301; hai lần Nam chinh chiến thắng quân Chiêm Thành vào các năm 1312 và 1318, buộc vua Chiêm là Chế Chí phải xin đầu hàng.

Không chỉ có tài về quân sự mà ông còn để lại rất nhiều tác phẩm thơ về chí trai và lòng yêu nước. Hiện nay tác phẩm của ông chỉ còn lưu giữ được hai tác phẩm là Thuật hoài (Tỏ lòng) và Vãn Thượng Tướng Quốc Công Hưng Đạo Đại Vương (Viếng Thượng Tướng Quốc Công Hưng Đạo Đại Vương).

Ngày 1 tháng 11 năm 1320, Phạm Ngũ Lão mất và hưởng dương thọ 66 tuổi. Vua Trần Minh Tông ban ân cho nghỉ chầu 5 ngày, đây là một đặc ân lớn của nhà vua đối với ông.

Nhân dân xã Phù Ủng đã cùng nhau dựng đền thờ ngay trên nền nhà cũ của ông, ông cũng được phối thờ tại đền Kiếp Bạc, Chí Linh, Hải Dương tại đền thờ Trần Hưng Đạo.

Tả Yết Kiêu tướng quân

Lục Bộ Đức Ông Nhà Trần, Các Vị Trướng Tài Ba

Tả tướng quân Yết Kiêu

Yết Kiêu tên thật là Phạm Hữu Thế, ông là con của Phạm Hữu Hiệu, người thôn Hạ Bì và bà Vũ Thị Duyên, người huyện Thanh Hà. Cha ông làm nghề chài lưới bên sông và mẹ ông bán hàng nước ở bến đò. Với cuộc sống bần hàn nghèo khó và sớm mồ côi cha nên Phạm Hữu Thế rất vất vả, ông phải chài lưới, cào hến giúp mẹ kiếm ăn ngay từ khi còn nhỏ. Cuộc sống lam lũ trên sông nước đã khiến ông có tài năng bơi lội rất giỏi.

Tương truyền rằng, vào năm 15 tuổi, Phạm Hữu Thế ra sông gánh nước vào buổi sáng tinh mơ. Sương trắng mù mịt nổi khắp mặt sông, thấy hai con trâu trắng húc nhau nền Phạm Hữu Thế liền dùng đòn ống đánh đuổi, can ngăn. Hai con trâu biến mất, thấy còn hai chiếc lông còn dính vào đòn ống, Hữu Thế đặt xuống nước, nước rẽ ra làm đôi. Cho rằng đây là lông trâu thần, ông liền nuốt chúng vào bụng, kể từ đấy thân thể của Phạm Thế Hữu trở nên hùng cường, trí lực, bơi lội tài giỏi, đi trong nước như ở trên đất bằng vậy.

Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần hai và lần ba, Phạm Hữu Thế với tài bơi lội “nhập thuỷ như phúc bình địa hỹ” (đi dưới nước ung dung, tự tại như trên đất bằng) đã lập nhiều chiến công lớn, được vua ban cho danh hiệu là Trần Triều Đệ Nhất Đô Soái Thuỷ Quân. Ông đã được nhân dân và vua quan nhà Trần gọi với cái tên là Yết Kiêu (tên một loài cá lớn ngày xưa). Nhiệm vụ của Yết Kiêu là tìm cách đục thủng các thuyền của giặc trong đêm. Khi màn đêm buông xuống, Yết Kiêu lại bơi đi tìm cách vượt qua hàng lính bảo vệ rồi nhẹ nhàng đục thuyền giặc.

Một đêm, Yết Kiêu đục được khoảng 30 thuyền giặc, đến gần sáng thì ông liền kéo dây khiến những nút giẻ trôi ra khỏi thuyền, khiến hàng chục thuyền giặc bị đắm. Hoàn thành nhiệm vụ, ông lại nhẹ nhàng bơi trở về căn cứ.

Sau thắng lợi Nguyên Mông, Bảng nhãn Lê Đỗ được triều Trần cử sang Nguyên triều đi sứ, mong nối lại hoà khí với nước mạnh hơn mình để mang lại hoà bình cho nhân dân đất Việt. Yết Kiêu vốn là võ tướng thuỷ quân được cử đi cùng làm tướng hộ vệ bên Lê Đỗ. Trong lần đi sứ ấy, vua Nguyên vô cùng mến mộ tài năng của Yết Kiêu liền tỏ ý muốn gả công chúa Nguyên triều cho ông. Ông từ chối khéo và thưa rằng để trở về tâu xin vua Đại Việt, nếu vua Đại Việt đồng ý thì sẽ sang xin Nguyên triều làm lễ cưới.

Trở về đất nước, vua quan triều Trần đều lo lắng vì sẽ mất một viên tướng tài giỏi nên đều không đồng ý. Công chúa Nguyên triều đợi mãi không thấy Yết Kiêu sang thì nóng lòng xin vua cha cho sang đất Đại Việt để có thể làm lễ thành hôn với Yết Kiêu. Biết được tin này, vua quan nhà Trần vì muốn ngăn cản cuộc hôn nhân nên đã báo tin Yết Kiêu qua đời.

Công chúa vô cùng thương xót Yết Kiêu nên đã cho người tạc tượng mình rồi thả xuôi sang nước ta, lập đàn cầu siêu cho linh hồn Yết Kiêu bên bờ biển tỉnh Quảng Đông và cầu nguyện: “Thiếp và chàng sống trên trần thế chưa nên duyên chồng vợ, nay chàng không còn nữa, thiếp nguyện thác xuống âm phủ để gặp chàng và nên nghĩa vợ chồng”, rồi gieo mình xuống biển Quảng Đông để tỏ lòng chung thuỷ. Hai võ quan và chín nàng hầu cũng gieo mình xuống biển tự vẫn để theo hầu công chúa…

Yết Kiêu mất vào ngày 28 tháng chạp năm Ất Sửu (1303), hưởng dương thọ 61 tuổi. Sau khi ông mất, vua Trần cho lập đền thờ ông ở bờ sông Hạ Bì (quê ông) là đền Quát. Đến thế kỷ XVII- XVIII  ngôi đền được tôn tạo khang trang và tu sửa nhiều lần vào triều Nguyễn. Khu di tích đền Quát được xếp hạng quốc gia vào ngày 28-1-1989.

Hữu Dã Tượng tướng quân

Lục Bộ Đức Ông Nhà Trần, Các Vị Trướng Tài Ba

Hữu Tướng Quân Dã Tượng

Ông là một vị nô gia thân tín và trung thành của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Tương truyền rằng ông rất giỏi huấn luyện voi và đã lập nhiều chiến công trong Kháng chiến chống Nguyên – Mông, đời Trần. Ông cùng với Yết Kiêu, Cao Mang, Đại Hành và Nguyễn Địa Lô là 5 thuộc hạ vô cùng tài năng và trung thành của Hưng Đạo Vương. Trong cuộc kháng chiến chống Mông – Nguyên, ông là người cận thần rất đắc lực, tận tình bảo vệ chủ tướng. Chính ông và Yết Kiêu có công lớn trong việc bắt Toa Đô.

Dã Tượng là bậc gia tướng chẳng những giỏi về chiến đấu, mà còn biết đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu, xem nhẹ bổng lộc triều đình và các phe phái ban cho. Ông và Yết Kiêu đã cương quyết vì nước mà cho rằng chủ Tướng Trần Quốc Tuấn nên đặt lợi ích của dân tộc  lên hàng đầu bỏ qua thù riêng vụn vặt. Chính vì sự khẳng khái đó, ông đã dược Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn vô cùng coi trọng, xem như bậc đại trượng phu, và dân chúng tôn thờ.

Đền thờ Ông hiện ở Đình Câu Dương thuộc làng Câu Dương, huyện Thái Thạnh, Thái Bình.

Nghĩa Xuyên tướng quân

Tướng quân Nguyễn Chế Nghĩa sinh năm 1265 tại vùng Cối Xuyên hay còn gọi Hội Xuyên, nay là thị trấn Gia Lộc. Ngay từ nhỏ ông đã nổi tiếng với tài năng văn võ, thông thạo võ nghệ, đặc biệt là đánh gậy. Năm Thiệu Bảo thứ 6 (1284), quân Nguyên xâm lược nước ta lần thứ hai, Nguyễn Chế Nghĩa khi ấy 17 tuổi đến dinh của Trần Hưng Đạo xin được đầu quân đi đánh giặc. Hưng Đạo thử tài thấy Nguyễn Chế Nghĩa bắn cung giỏi nên phong ông là “thần tiễn” và khen: “Người này chẳng kém tài gì Phạm Ngũ Lão, ta lại có thêm một vị tướng tài”. Ông được Hưng Đạo Vương sai đem quân binh của Lộ Hồng đi đánh chặn giặc ở Nội Bàng, Vạn Kiếp, làm cho chúng phải tiến quân chậm chạp.

Năm 19 tuổi, Nguyễn Chế Nghĩa được đeo ấn tiên phong cùng tướng Phạm Ngũ Lão đem 3.000 quân lên Lạng Sơn lập trại ngăn cản quân địch. Trận đầu ông cầm quân đẩy lui được đội quân các tướng giặc là Trịnh Bằng Phi và Áo Lỗ Xích. Nguyễn Chế Nghĩa hùng dũng xông vào quân giặc như vào chốn không người khiến chúng phải khiếp sợ gọi ông là thần tướng, ông được nhà vua phong làm Khống Bắc Tướng Quân. Khi vua Trần cho triều đình và nhân dân rút khỏi kinh thành, Nguyễn Chế Nghĩa được cử ở lại giữ Nội Bàng để chống giặc, bảo vệ đại bản doanh Vạn Kiếp. Sau đó ông được giao đảm nhận giữ mặt trận từ Kiêu Kỵ (Gia Lâm) đến đê Cơ Xá (Hải Dương). Ông là người đã chỉ huy trận phục kích giặc ở cánh đồng Kiêu Kỵ, giết được 300 tên giặc. Khi quân ta chuẩn bị tổng phản công, Nguyễn Chế Nghĩa đã phối hợp với các cánh quân tiêu diệt địch ở ngoại thành Thăng Long và phục kích giặc trên sông Thiên Đức (sông Đuống) và tiêu diệt được hàng nghìn tên.

Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ ba (1287 – 1288), Hưng Đạo Vương đã phong cho Nguyễn Chế Nghĩa chức chánh tướng tiên phong đóng đồn ở Yên Hưng (Quảng Ninh). Khi biết Thoát Hoan chạy theo đường núi, ông đã cùng Phạm Ngũ Lão mang quân chặn đánh giặc ở Vạn Kiếp, chém chết được tướng giặc là Trương Quân ở Nội Bàng.

Giặc tan, Nguyễn Chế Nghĩa được vua Trần phong làm Đại Tướng Quân, cử đi trấn giữ ải ở Lạng Sơn 6 năm. Sau ông được nhà vua triệu về triều, ban tước vị là Nghĩa Xuyên Công cử đi sứ nước Nguyên ba lần và được nhà vua gả công chúa Nguyệt Hoa (đây là điều hiếm gặp vào thời nhà Trần).

Nguyễn Chế Nghĩa làm quan bốn đời vua. Đến cuối đời vua Trần Minh Tông, do triều đình nhiễu nhương, Nguyễn Chế Nghĩa khuyên can không được nên ông đã từ quan về ở đất Cối Xuyên. Tại đây ông dạy dân mở làm nông, mở chợ, mở lò dạy võ cho thanh niên.

Khi vua Trần Hiến Tông mất, Trần Dụ Tông lên ngôi (1341 – 1369). Vì ông phản đối việc lên ngôi của Dụ Tông nên sau khi lên ngôi Dụ Tông đã sai bọn võ sĩ phục kích chém chết ông ở quán Ninh Kiều, Kiêu Kỵ (Gia Lâm). Nhưng với những công lao hiển hách của ông, triều đình vẫn cử Bộ Lễ về tổ chức tang lễ theo nghi thức của bậc vương giả và phong ông là An Nghĩa Đại Vương. Sau khi ông mất, quê hương Cối Xuyên và 84 địa phương nơi ông từng đóng quân đều lập miếu thờ phụng để tưởng nhớ. Trong tác phẩm “Tóm tắt niên biểu lịch sử Việt Nam” của Hà Văn Thơ và Trần Hồng Đức (phát hành năm 2001) phần ghi những nhân vật lịch sử nổi tiếng triều Trần bao gồm 12 người, trong đó ông Nguyễn Chế Nghĩa được xếp trên Lê Văn Hưu và Chu Văn An.

Tướng quân Nguyễn Chế Nghĩa đã trở thành niềm tự hào của quê hương Gia Lộc, ngày nay tên ông được đặt cho đường phố ở TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Hải Dương.

Hùng Thắng tướng quân

Tướng quân Vi Hùng Thắng là vị hậu duệ đời thứ 6 của cụ tổ họ Vi tại làng Vai, xã Kim Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Thân phụ của ông là cụ Phúc Tính, thân mẫu là cụ Từ Duyên. Ngày từ nhỏ, ông đã bộc lộ nhiều tư chất thông minh, sáng dạ của mình. Lớn lên thì được nhiều người nể nang và quý mến nên ông đã quy tụ được nhiều trai đinh trong vùng cùng say mê tập luyện võ nghệ, sẵn sàng gìn giữ bản làng.

Khi giặc Nguyên Mông lại một lần nữa xâm lược nước ta vào năm 1285, quân dân nhà Trần nhất tề đứng dậy đồng tâm hiệp lực đánh giặc. Vi Hùng Thắng được đức vua tin tưởng, giao cho nhiệm vụ làm tướng dân binh của cả một vùng rộng lớn Sơn – Lục. Dân binh của ông là những tay kiếm, tay cung vô cùng dũng mãnh, phối hợp chặt chẽ với quân đội triều đình… từng tham gia hàng chục trận đánh ác liệt, đẩy lùi bước tiến của giặc khi chúng từ cửa khẩu Chi Ma vào nước ta.

Đến cuối tháng Giêng năm 1285, Thoát Hoan đem quân tràn vào bờ cõi và đã bị quân dân ta đánh đuổi tại cửa khẩu Khả Li (Xa Lý). Tại đây, hai vị tướng nhà Trần là Đỗ Hưng và Đỗ Vũ đã tử trận. Được đà lấn tới, quân giặc lại tiếp tục cho quân tràn qua vùng biển Động, phòng tuyến của ta ngày càng thêm lung lay khi tướng Trần Sầm hi sinh. Lúc này, biết Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và các quân sĩ đang ở đất Nội Bàng, quân giặc đã bày binh bố trận vừa giả vờ hàng vừa bao vây khiên quân ta gặp không ít khó khăn, tướng Đoàn Thại đã phải hy sinh. Trước thế trận ngày một yếu thế hơn, Vi Hùng Thắng đã chỉ huy đạo quân phối hợp đánh chặn, tạo điều kiện để Trần Quốc Tuấn có thể mở đường thoát khỏi sự truy sát của giặc, rút xuống thuyền xuôi theo bờ sông Lục.

Sau đó, trong trận đánh Nguyên – Mông lần thứ 3, tướng quân Hùng Thắng đã tử trận anh dũng tại trận Tân Dã vào 20-2-1288. Thi hài ông và các tiểu tướng được nhân dân địa phương chôn cất tại nơi hi sinh. Sau đó, để tưởng nhớ công đức của ông, nhân dân đã lập đền thờ Hùng Thắng tướng quân cũng tại vị trí đó, lấy tên đền Khánh Vân. Đền cũng được gọi với tên khác là đền Quan Quận do tướng Hùng Thắng được thiên triều phong sắc tước Quận Công.

Huyền Quang tướng quân

Tướng quuan Đặng Huyền Quang sinh vào ngày 13 tháng 3 năm Giáp Thìn (1244), tại xã Vị Hoàng, tỉnh Nam Định. Ông là con của cụ ông Đặng Huyền Chung và cụ bà là Lê Thị Chinh, cả hai cụ đều là con quan, thuộc dòng dõi nhà thi lễ. Cụ ông Đặng Huyền Quang làm nghề dạy học và bốc thuốc, đời sống kinh tế tương đối đầy đủ, thường hay làm việc thiện, giúp đỡ người nghèo.

Khi lớn lên Đặng Huyền Quang ngày càng trở nên cao lớn, tướng mạo đẹp và thông minh, 17 tuổi đã thuộc hết sách binh thư, võ nghệ tài ba hơn người. Năm ông 40 tuổi, gặp thời buổi giặc Nguyên Mông chuẩn bị đưa quân sang xâm lược nước ta lần thứ 2, Đặng Huyền Quang đã chiêu mộ được hai ngàn quân dẫn đến triều đình xin được xung trận, được vua Trần Nhân Tông vô cùng trọng thị. Với tài võ nghệ tuyệt vời, Đặng Huyền Quang được phong chức làm Đô Chỉ Huy Sứ Tướng Quân.

Tháng 12 năm 1284, vua Nguyên sai Thái Tử Thoát Hoan đem 50 vạn quân sang xâm lược nước ta lần thứ 2, cộng thêm 10 vạn quân của Toa Đô chỉ huy từ đất Chiêm Thành đánh ra vùng Nghệ An, quân ta bị rơi vào thế gọng kím, đánh kẹp cả hai đầu.

Vua Trần tổ chức hội nghị các bô lão trong cả nước ở điện Diên Hồng, sắc phong cho Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn làm Quốc Công Tiết Chế chỉ huy toàn bộ quân binh Đại Việt, kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông.

Dưới sự chỉ huy vô cùng tài tình và mưu lược của Hưng Đạo Đại Vương, để giảm thế mạnh của địch, ban đầu ta tổ chức đánh cầm cự và bỏ kinh đô Thăng Long để bảo toàn lực lượng, áp dụng lối chiến tranh du kích để tiêu hao sinh lực địch làm cho quận địch khốn khổ vì thiếu lương thực, chặn đường tiếp viện rồi mới tổ chức các cuộc phản công bất ngờ ở mọi phía. Với những chiến thắng vang lừng ở Chương Dương, Hàm Tử, Tây Kết, Vạn Kiếp…chỉ trong vòng nửa năm quân Nguyên Mông bị đánh tơi tả và phải rút chạy về nước. Toa Đô, Lý Hằng, Lý Quán bị chém đầu tại trận, Thoát Hoan phải chui đầu vào ống đồng cho người khiêng chạy về nước thì mới có thể thoát chết.

Trong cuộc chiến đấu này tướng quân Đặng Huyền Quang được cử chỉ huy dẫn quân chặn đường thuỷ bộ ở các tỉnh Đông, Hồng Châu, Du Trí, Hải Dương, Đông Triều, Cập Hiền, Cập Thương, Thái Bình…Thắng giặc, Đặng Huyền Quang được vua Trần thăng chức làm Tướng Quân Thái Uý.

Tướng quân Đặng Huyền Quang mất vào ngày 10 tháng 10 năm Ất Dậu (1285) tại Dụ Tái, Cập Hiền, Thanh Hà, tỉnh Hải Dương.

Văn thỉnh Lục Bộ Đức Ông

Thần kim cung cờ bãi đảo

Lục bộ đức ông lai đáo đàn trung

Thống lĩnh  gia quân  trần triều lương tướng

Giáng uy linh tại chốn điện tòa

Dương gian một thủa phong ba

Theo chân vũ đế xuống mà giúp dân

Đời trần thị oai linh lừng lẫy

Theo vương gia thát sát giặc thù

Trên là nợ nước ơn vua

Dưới là xã tắc cũng là tình thâm

Phụ vương gia khác đòn thần chức

Khải văn mời ốp đáo đồng nhân

Thỉnh mời  hùng Thắng đức ông

Vốn sinh tại đất Lục Bình Bắc Giang

Thổ mãn nùng quanh vùng phục bái

Nức gần xa tụ tập theo hầu

Song thân tự phúc tinh là hiệu

Thủa trẻ trai nức tiếng siêu quần

Tài võ nghệ nổi  danh hào kiệt

Tụ dân binh trấn ải chi ma

Theo vào phò tá vương gia

Trải qua trăm trận xông pha tuyến đầu

Chém tướng giặc như hái rau chặt chuối

Đuổi thoát hoan phải rúc ống đồng

Quân thát nghe ôm đầu rụt cổ

Vua gia tặng quận công tước vị

Khánh vân đất tân giã  quên Thân

Vì nước non chiến đến cùng tử trận

Hi sinh lại được anh linh muôn đời

Dân tôn phụng lập đền hương khói

Nay ông về tốc đáp đàn duyên

khuông phù đệ tử thiên xuân thọ trường.

Thỉnh mời khống bắc tướng quân

nghĩa xuyên lục bộ Thánh ông đáo đàn

Hải dương về chốn hội xuyên

Là nơi tụ nghĩa là nơi sinh thành

Ân vương thượng ban danh thần tiễn

Chốn trận tiền sát tướng như không

Võ công vào bậc siêu phàm

Một người ngựa xông trong trại giặc

Triệu tử long của đất  nam minh

Tiên phong thần tướng lĩnh quân

Ba nghìn tướng sỹ trận tiền sông pha

Trịnh phi bằng  Ao lỗ xích

Tiên phong tả hữu của Thoát Hoan

Gặp ông mất mật khóc than

Giặc thua tan tác chạy càng thêm nhanh

Giặc tan lại lĩnh sứ Thần

Ba phen bốn bận vi hành bang giao

Vua yêu gả công chúa nguyệt hoa

Kết duyên tần tấn ấy là đặc ân

Khi triều nội nhiêu. Nhương loạn xạ

Ông xin về ở ẩn cối xuyên

Nhưng mà số phận không yên

Gian thần dòm ngó đến miền quê hương

Phục binh trảm thủ giữa đường

Nay ông thác xuống tiếng oan ở đời

Lăng tẩm đó muôn đời hương hỏa

Đất Hải Dương gia lộc trấn kia

Vì tài đức muôn dân tôn phụng

Người  thuộc cửa kiếp bạc thượng từ

Sắc phong An Nghĩa đại vương

Thỉnh ông lai đáo đàn trung

Khuông phù đệ tử khang ninh thọ trường.

Chỉ huy sứ chánh tướng con mời

Thỉnh ông lục bộ danh là huyền du

Vốn xưa dân quê nơi nam định

Xã mang danh tên cũ vị hoàng

Gia phong nề nếp thuộc hàng nho gia

Thủa còn trẻ văn thao võ lược

Vai tựa hùm tay gấu mặt long

Mộ dân binh phò tá vương gia

Thát sát săm trên cánh tay ngà

Trải trăm trận trước cờ đức Thánh

Chăm trung quân nhưng chiến công hiển hách

Tướng giặc đầu trên chục lập công

Văn thao võ lược oai hùng

Nhưng trời xanh lại không chiều lòng người tài đức

Tuổi bốn mốt đã dời dương thế

Cả tam quân nhỏ lệ khóc than

Ngày nay lập miếu bên lăng

Tại Thanh hà Hải Dương tỉnh nọ

Đệ tử con dâng bài văn tấu

Xin đức ông giáng hạ đàn duyên

Khuông phù đệ tử an ninh thọ trường

Thủy quân tổ tộc dâng văn

Thỉnh mời nguyên soái thủy quân đáo đàn

Vốn là tổ dòng nhân thủy tộc

Ngậm mao ngưu thần thủy đúc tài

Giáng sinh vào hàn gia họ phạm

Thuộc miền làng quát đất là Hải Dương

Dòng sông đáy là nơi ông sống

Nước với ông như đất với người

Theo vào phò tá vương gia

Gia thần danh cải ban là yết kiêu

Trận Bạch Đằng trường giang cuộn sóng

Trận hải ninh lẫn trận lục nam

Đục thuyền phá giặc kinh hoàng

Dù cho giặc bắt cũng rễ ràng thoát thân

Sách sử ghi còn lưu huyền thoại

Bãi tân kia chờ chủ không rời

Yết Kiêu chưa thấy Đại Vương thì ông nhất định sẽ không dời thuyền.

Hưng Đạo vương gia ban cho  bài phú

” Chim hồng hộc muốn bay cao phải nhờ ở sáu trụ cánh.

Nếu không có sáu chiếc trụ cánh ấy thì cũng là chim thường thôi.”

Nay sử xanh vãn mãi còn ghi

Yết kiêu nguyên soái thủy quân đại thần

Nay con bái đảo muôn lần

Khuông phù đệ tử thiên xuân thọ trường.

Thái bình thái thạch thôn quê

Câu Dương chốn ấy đi về anh linh

Tượng quân là binh chủ lực

Con Thỉnh mời Dã Tượng Đại vương

Trần thị xưa chống quân thát sát

Đội đặc binh bạch tượng ra uy

Theo ông chiến trận tung hoành

Đánh tan thát sát chiều đình phong công

Sắc phong tiết chế binh nhung

Trung thần là bậc anh hùng vì dân

Sống một đời anh linh hiển hách

Quốc sử ghi vạn kiếp lưu danh

Sống là tôi thác lại là thần

Thượng từ kiếp bạc phục Thần Thánh vương

Từ ngàn xanh tới nơi Thành thị

Tượng binh hùng thủy lục giao tranh

Khắp nơi khắp chốn vang danh

Khuông phù đệ tự thiên xuân thọ trường.

Đức Thánh ông có vị trung lương

Luôn theo hộ vệ bên mình chủ quân

Nay văn con thỉnh con mời

Nhà Trần Vệ  tướng Cao Mang ngự đồng

Vốn sinh đất nam thành chốn đó

Mỹ lộc huyện làng ở Đông Mai

Trời sanh tưởng pháp khác người

Ngũ quan phúc hậu như là khúc tinh

Mặt như nhồi phấn trời sanh thần lực

Nắt ngời sao  soi tỏ bóng đêm

Vai tựa gấu tay dài như vượn

Nưng hùm beo chân của tượng long

Thực hay thiên tướng giáng trần

Đầu vào dưới trướng Thánh ông giúp đời .

Thủa thát sát xua quân xâm chiếm

Lúc thắng lui là kế binh gia

Lấy thân làm kế thoát ra

Dụ giặc lâm kế ấy là mưu cao

Nhưng nguy hiểm đâu đâu cũng có

Thân phạm trận là kế hiểm nghèo

Không phải  dũng tướng mang theo

Vậy thì chắc chắn mạng treo mất rồi

Dụ địch cũng cần người gan dạ

Giỏi võ công lại giỏi quyền mưu

Khi lâm trận muôn vàn biến hóa

Bản lĩnh kia mới thực đại tài

Văn nay con thỉnh con mời

Xin ông hộ đỡ gia trung thọ trường.

Dâng sớ

A tấu sớ Thiên Đình ông lên tấu sớ Thiên Đình

Nam Tào Bắc Đẩu Chúa biên rành rành Chúa cho đôi chữ trường sinh

Chữ phú chữ quý, khang ninh thọ trường năm cờ sai trấn năm phương

Khai quang

Có lệnh truyền ra Thánh Ông có lệnh truyền ra

Các quan thoải bộ cùng là chư dinh nam ninh non phạt nam thành

Đánh đông dẹp bắc tung hoành mọi nơi đông thời cửa thiếu cửa đoài .

Nghự lên đồng tử cứu này nhân gian cứu đâu thời đó được an

Cấp sai binh tướng áp lai tĩnh đường A

Se khai quang dung nhan Thập kỳ diệu

Quang minh chiếu Thập phương

Ngã tích tang cúng dàng

Kim phụng hoàng thân cận

Phật Thánh chúa thiên trung vương

Ca lăng tần già Thanh từ bi mẫn chúng sinh

Cố nghã kim đỉnh lễ…

A án Nhật nguyệt quang minh

Cân đai mũ áo ra uy khám đàn

Phép ông đôi má thu phình

Ra tay lấy huyết quyết linh thần phù

Chỉ ngũ sắc trói loài tà quỷ

Trận ngũ phương lưới lưới bủa vây

Doi dâu cùng cả doi mây

Cờ trần ông quấn tróc loài tà tinh.

Đăng bình luận thành công! Quản trị viên sẽ phản hồi đến bạn!

Bài viết liên quan

Khê Đồng Là Gì, Hiểu Rõ Về Khê Đồng

Khê Đồng Là Gì, Hiểu Rõ Về Khê Đồng

Khê đồng là gì? tại sao lại bị khê đồng? và khê đồng thì có phải xoay khăn hay không? là những câu hỏi được nhiều người mới ra hầu đồng gặp phải, thậm chí là có cả những người ra đồng 10 năm vẫn chưa hiểu và chưa được yên căn yên số. Trong bài viết này chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về hiện tượng khê đồng trong tứ phủ và làm sao để hóa giải khê đồng.

Tích Thánh Cô Bảy Tân La, Cô Bảy Kim Giao

Tích Thánh Cô Bảy Tân La, Cô Bảy Kim Giao

Cô Bảy Tân La (Cô bảy kim giao) là Thánh Cô thứ bảy trong hàng Tứ Phủ Thánh Cô, sau Cô Sáu Sơn Trang, trước Cô Tám Đồi Chè. Cô Bảy Tân La là thánh cô kề cận bên Chầu Bảy Kim Giao. Cũng giống như Chầu Bảy, Cô Bảy có nhiều danh hiệu khác nhau: Cô Bảy Kim Giao (khi thờ tại đền Kim Giao), Cô Bảy Mỏ Bạch (vì đền Kim Giao nằm tại Mỏ Bạch, Thái Nguyên), Cô Bảy Tân La (khi thờ tại đền Tân La, Thái Bình).

Truyền Thuyết Về Đức Vua Cha Ngọc Hoàng Thượng Đế

Truyền Thuyết Về Đức Vua Cha Ngọc Hoàng Thượng Đế

Từ thuở hồng hoang đến ngày nay, người Cha luôn giữ một vai trò hết sức quan trọng đối với cuộc sống của con người. Chính Người đã sinh thành, nuôi dưỡng, chắt chiu cuộc sống, chịu đựng gian khó để các con có cuộc sống hạnh phúc, đầy đủ, vẹn tròn nhất. Mang đầy đủ những đức tính cao quý và hoàn thiện nhất của những người cha, là Đức Ngọc Hoàng Thượng đế, là Người đứng đầu Thiên đình, có quyền năng tối cao và là Đấng sáng tạo ra vũ trụ vạn vật.