Địa Tạng Bồ Tát cứu độ chúng sinh
Theo dõi Tử Vi Cải Mệnh trên- 13 Lượt xem
- Cập nhật lần cuối 26/10/2023
Các Đức Phật luôn cứu độ chúng sinh và không bao giờ biết mệt mỏi, Ngài cũng là con người mà tu thành chính quả, chúng ta hãy cùng tìm hiểu một số lý do, tuy bài viết chưa đầy đủ nhưng cũng giúp một số bạn đọc hiểu thêm phần nào về Ngài Địa Tạng Bồ Tát cũng như về Đạo Phật nói chung.
Các Đức Phật luôn cứu độ chúng sinh và không bao giờ biết mệt mỏi, Ngài cũng là con người mà tu thành chính quả, chúng ta hãy cùng tìm hiểu một số lý do, tuy bài viết chưa đầy đủ nhưng cũng giúp một số bạn đọc hiểu thêm phần nào về Ngài Địa Tạng Bồ Tát cũng như về Đạo Phật nói chung.
- Rất nhiều người ưa thích đọc tụng kinh Địa Tạng và ngưỡng mộ công hạnh độ sinh của Ngài, cảm thấy quá vĩ đại không thể nói hết được. Vậy bạn có hiểu tại sao Ngài lại có thể kiên trì cứu độ chúng sinh mãi mãi mà chẳng hề mỏi mệt thoái tâm không?
Lí do chính là: Ngài nhìn thấy rõ tất cả mọi chúng sinh đều đồng một thể với Ngài, đều có Phật tánh, đều có khả năng thành Phật.
Nói một chúng sinh phàm phu, khắp thân toàn là nghiệp lực mà lại đồng một thể không sai khác với Phật, Bồ Tát, ý này nên hiểu như thế nào?
- Mình lấy ví dụ nhé, dùng một chút kiến thức khoa học để minh họa cho dễ hình dung. Có lẽ chúng ta từng nghe qua về kim cương và than chì. Hai loại vật chất này đều có chung một nguồn gốc cấu thành từ những nguyên tố carbon giống nhau, nhưng chỉ vì cấu trúc sắp xếp các nguyên tố theo hình dạng khác nhau mà biến thành hai loại với giá trị khác biệt một trời một vực: một thứ thì long lanh rực rỡ, được coi là hiếm quý, được trưng bày trong tủ kính, bọc nhung bọc lụa, rao bán giá hàng triệu đô, còn lại thứ kia thì xấu xí đen thui, thường được dùng để sản xuất làm mấy thứ dụng cụ học tập như ruột bút chì của trẻ, giá bán chỉ vài đồng, có vứt ra đường cũng chẳng ai buồn nhặt. Cùng một nguồn gốc nguyên tố carbon giống hệt nhau đó mà số phận lại chia ra thành quý giá hay rẻ mạt, nhưng phân tích thành phần ra tỉ mỉ thì cả hai đều là carbon bình đẳng như nhau, phân tích nữa đến cuối cùng thì đều tan thành hư không cả.
Vạn vật đều được cấu thành từ các phân tử, các phân tử lại được cấu tạo từ các nguyên tử, nhỏ hơn thế nữa còn có một loại gọi là hạt quark, phải dùng đến những thiết bị tối tân mới phát hiện ra được, chia nhỏ những hạt vật chất cực kì nhỏ này ra thì thành hư không, không còn gì nữa. Ngày nay khoa học mới phát hiện ra, mà trong khi đó kinh Phật đã nói điều này từ hàng ngàn năm trước. Đức Phật không gọi là phân tử hay nguyên tử mà gọi là vi trần, nhỏ hơn vi trần là cực vi trần, chia nhỏ cực vi trần ra thì là hư không. Vạn vật vạn pháp trên đời có đủ mọi hình dáng, to nhỏ, đẹp xấu, hay dở, quý giá cao sang, nghèo hèn rẻ mạt, vui sướng, khổ đau.v.v..., đó tất cả đều là do sự phân biệt của ý thức, bản tánh vốn nó không có phân ra làm hai, truy cho đến cuối cùng thì hết thảy đều quy về hư không, tức là giống nhau, tức đồng một thể.
- Hoặc cũng ví như thế này: bây giờ bạn có một thỏi vàng ròng, trước mặt là 10 cái khuôn, bạn nấu chảy vàng ra rồi rót vào 10 khuôn đó, cái khuôn thứ nhất hình Phật, khuôn thứ hai hình Bồ Tát, khuôn thứ ba hình thiên nhân, rồi hình người.v.v... cho đến khuôn cuối cùng hình địa ngục. Nếu chỉ nhìn thấy tướng, chấp trước vào tướng thì hình Phật, Bồ Tát chúng ta sẽ đội lên trên đầu, mau mau lễ lạy, còn cái hình kia là con quỷ xấu xí quá, hãy vứt đi cho nhanh. Nhưng chúng ta quên mất sự thật rằng dù hình gì đi nữa thì cả 10 cái khuôn đó đều đúc ra từ vàng ròng cả. Bây giờ không thích thì hình quỷ ma, súc sinh nấu chảy ra, rót vào khuôn lại được hình Phật, Bồ Tát không khác gì. Tất cả đồng một thể, cũng có thể coi đây là ví dụ về pháp thân bình đẳng vậy.
- Vì không hiểu chân tướng thực sự của vạn pháp nên từ đó con người mới sinh ra đủ loại chấp trước não phiền. Ví dụ như có một chút đồ quý, châu báu vàng ngọc thì ngày đêm lo lắng khư khư giữ lấy hoặc tìm cách chiếm đoạt, ra đường đâm chém cướp giật nhau cũng chỉ vì quan niệm chấp trước cho đó là quý, nếu hiểu được tất cả đều quy về số không, gạch ngói cũng đồng châu ngọc thì ai lại ngu si điên đảo giành giật làm gì?
- Phật, Bồ Tát thì nhìn thấy rõ ràng Phật tánh bình đẳng ở nơi chúng sinh cùng với Ngài không hai không khác, chúng sinh cũng tức chính là Ngài, cứu độ chúng sinh cũng chính là giúp đỡ chính mình. Vì không thấy có sự phân biệt sai khác, không có tư tưởng cho rằng chúng sinh thấp hèn còn Bồ Tát thì cao quý, nên Ngài làm mà như không làm, cứu độ chúng sinh mà không có ý niệm cứu độ chúng sinh, trải qua vô lượng kiếp cũng không hề nhàm mỏi.
NAM MÔ PHẬT.
NAM MÔ PHÁP.
NAM MÔ TĂNG.
NGUYỆN TỪ NAY ĐẾN TẬN CÙNG ĐỜI VỊ LAI, CON MỘT LÒNG QUY NGƯỠNG.