Con cầu tự là gì? Con cầu tự có khó nuôi như lời đồn hay không?
Theo dõi Tử Vi Cải Mệnh trên- 586 Lượt xem
- Cập nhật lần cuối 26/10/2023
Vô sinh hiếm muộn hiện nay cũng rất nhiều, khi lấy vợ lấy chồng được 3 năm trở lên thì người ta nghĩ ngay đến việc điều trị, tìm cách co con. Thế nhưng có nhiều trường hợp không có bệnh gì mà mãi vẫn không sinh con.
Vô sinh hiếm muộn hiện nay cũng rất nhiều, khi lấy vợ lấy chồng được 3 năm trở lên thì người ta nghĩ ngay đến việc điều trị, tìm cách co con. Thế nhưng có nhiều trường hợp không có bệnh gì mà mãi vẫn không sinh con. Lúc này người ta nghĩ ngay đến việc đi xin con ở các Đình, Chùa, Đền (cầu tự). Bài viết này sẽ giải đáp thắc mắc một số nghi vấn về con cầu tự nhé.
1. Con cầu tự là gì?
Con cầu tự là những đứa con được sinh ra do gia đình đi xin, cầu khấn Thần Phật ban cho. Điều này xuất phát từ việc khó khăn trong việc sinh nở của các cặp vợ chồng trẻ. Không có con trong thời gian dài thường là mối đe dọa hạnh phúc của nhiều cặp đôi và họ rất mong mỏi có trẻ con cho vui cửa vui nhà. Vì áp lực phải có con bằng mọi giá, nhiều người tìm mọi cách và không quên đi cầu tự để có con.
Dù chưa ai chứng minh được thực hư hiệu quả của việc lên chùa cầu tự nhưng dân gian có câu “Có bệnh thì vái tứ phương”, hàng năm rất nhiều các cặp vợ chồng hiếm muộn vẫn lên chùa làm lễ, khấn vái để cầu xin Thần Phật ban cho một mụn con.
Cầu tự là việc khá phổ biến từ xưa đến nay và trong xã hội hiện đại, hiện tượng này theo thời gian lại càng được nhiều biết tới khi họ truyền tai nhau với những kinh nghiệm cá nhân rằng nơi này thiêng, nơi kia cầu con hiệu quả…
2. Các góc nhìn nhận khác nhau về vấn đề cầu tự
Theo khía cạnh y học:
Khía cạnh tâm lý luôn được đề cao trong việc chữa bệnh và việc đi cầu tự chính là tháo gỡ nút thắt tâm lý cho các bà mẹ dễ thụ thai hơn.
Cuộc sống quá nhiều áp lực, căng thẳng không phải là điều kiện tốt để mang thai. Không chỉ có thế, nhất là đối với người mãi chưa sinh con, những áp lực từ gia đình hoặc xã hội càng làm cho tâm lý nặng nề gây ảnh hưởng lớn đến quá trình thụ thai.
Có thể hiểu rằng, mỗi lần đi lễ chùa, những người hiếm muộn thường khắc phục được yếu tố tâm lý. Họ tìm đến những chốn linh thiêng để có được sự thanh thản, nhẹ nhàng và đặc biệt, đáng quý nhất, chính là niềm tin mãnh liệt vào những điều thiêng liêng, hy vọng tốt đẹp về một tương lai với tiếng cười trẻ thơ.
Thực tế là có nhiều trường hợp, liệu pháp tăng sức mạnh tinh thần này kết hợp với thuốc đang điều trị có thể khiến họ dễ dàng mang thai hơn.
Theo góc nhìn Phật giáo:
Chuyện cầu tự từ kinh sách phổ biến thế nhưng ít người thực sự hiểu hết ý nghĩa của nó, bên cạnh đó còn có những biến thể và nhiều người đã hiểu sai đi mục đích tốt đẹp ẩn sau những lời cầu khấn đó.
Thực tế, bây giờ, những người đi cầu tự ở đình chùa, miếu mạo không xuất phát từ việc ăn ở hiền lành, làm phúc, làm thiện ngay từ đầu để cầu con cái mà chỉ khi nào thật sự hiếm muộn mới lên chùa cầu tự.
Nhiều người không hiểu đạo Phật và không hiểu mục đích tốt đẹp được nói đến trong kinh sách về chuyện cầu tự. Thậm chí, có những người còn mang rất nhiều tiền của để làm lễ cầu tự, nhưng không hiểu bản chất tốt đẹp của việc này.
Theo Hòa thượng Thích Thanh Duệ (Phó trưởng ban Văn hóa – Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam) các loại kinh thông thường của Phật giáo đều nói việc cầu tự tức là nói đến sự cầu mong của những người Phật tử muốn có con trai, muốn có con gái thì đều được.
Theo đó, muốn được Phật ban con thì Phật tử phải thuận thành, thiện mỹ, làm điều tốt với mọi người. Khi đó ắt có phúc báo lớn, duyên đủ lớn để có thể có con, là điềm hành cho gia đình.
Hơn nữa, con cái cũng là một nhân duyên. Với những người cầu tự thì việc có được con cái là do rất nhiều nguyên nhân. Đó là phúc đức, nhân duyên của vợ, chồng, của tổ tiên ông bà để lại.
Nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn, vì khao khát có con thường đi “bái tứ phương” để cầu xin nhưng họ có con hay không vẫn là cái duyên. Tuy nhiên, nếu bố mẹ thành tâm hướng thiện, biết cách dạy dỗ con cái thì vẫn có thể thay đổi số phận. Chuyện đó cho thấy, quan niệm cho rằng, con cầu tự thường rất khó nuôi là không đúng và hoàn toàn sai lầm.
3. Con cầu tự có khó nuôi như lời đồn hay không?
Có khá nhiều thông tin cho rằng sinh con cầu tự có khó nuôi vì chúng thường là những đứa trẻ khó tính, hay quấy khóc hơn nhưng sự thật có phải vậy không?
Nửa tin nửa ngờ việc cầu tự
Trước hết, niềm ước mong có con cái là ước vọng chính đáng, nhất là trong hoàn cảnh đôi vợ chồng có khó khăn, bất toàn về mặt tâm sinh lý. Con cái luôn luôn và trên hết là quà tặng quý giá mà duyên lành đưa tới cho chúng ta.
Thế nhưng, trong phật giáo, cầu nguyện không phải là bản chất của phật giáo. Đức phật cũng không khuyến khích đệ tử mình cầu nguyện. Bản chất của phật giáo chính là nhân – quả. Nhân nào quả ấy.
Đức phật nói là không ai cho mình cái gì và không ai lấy đi của mình cái gì. Cuộc sống của mình trong tương lai tốt đẹp hay không là do bản thân mình tự quyết định, chứ không có trời phật nào quyết định thay mình cả. Cho nên đức phật hướng con người làm việc thiện. Nếu mình làm việc thiện, nhất định cuộc sống của mình sẽ thiện và ngược lại. Làm điều ác thì cuộc sống sẽ gặp nhiều trắc trở.
Không phải đặt tiền nhiều hay ít, lễ to hay nhỏ. Đức phật không ăn được những lễ ấy. Mà cái tâm phật sẽ biết. Có thành tâm hay không. Phải có ngôn ngữ của đức phật thì mới cầu nguyện được phật ban cho. Đó là ngôn ngữ của cái thiện, ngôn ngữ của điều lành. Đó là phải sống thiện, sống lành. Khi có ngôn ngữ của đức phật thì đức phật sẽ nghe được và phù hộ cho mình.
Tuy nhiên, lợi dụng niềm mong mỏi có con của những người đi cầu tự, nhiều kẻ xấu đã xúi giục họ tin vào những điều mê tín dị đoan, bành trướng việc cúng bái để trục lợi. Bởi vì, những người đã mang tâm đi cầu tự đều một lòng tin tưởng vào các thế lực thần thánh, siêu nhiên mà xem nhẹ phần tự lực của bản thân nên rất nhẹ dạ cả tin vào những điều nhảm nhí.
Con cầu tự có khó nuôi?
Hiện nay, trên nhiều diễn đàn mạng xã hội, đặc biệt là các diễn đàn hiếm muộn, có rất nhiều chị em chia sẻ về việc con cầu tự khó nuôi như thế nào.
Thực ra con trẻ cũng có đứa khó đứa dễ là chuyện thường, trẻ thường hay tỉnh và quấy khóc giữa đêm thì nhà nào cũng gặp phải, tuy nhiên với người mẹ có tâm lý con của mình là đi xin, đi khấn vái mà có nên họ chỉ tập trung vào vấn đề khó chứ không để ý tới những thuận lợi và họ vẽ nên câu chuyện xung quanh những khó khăn mà thôi.
Khó nuôi hay không còn phụ thuộc vào cơ địa từng đứa bé hoặc phúc phần của cha mẹ, gia đình chứ chẳng có gì chắc chắn được việc con cầu tự thì khó nuôi cả. Nhiều người thì khuyên nếu là con cầu tự thì ngoài việc lễ tạ sau khi mang bầu thì hàng tháng hoặc ít nhất hàng năm đều phải quay lại chùa lễ tạ, có như vậy thì con mới được Thần, Phật phù hộ hay ăn chóng lớn, ngoan ngoãn và khỏe mạnh được.
Theo Thiền sư Thích Trúc Thái Minh ở chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) thì con cầu tự có khó nuôi hay không còn tùy thuộc vào phúc phần của cháu bé và gia đình. “Chữ tự có nghĩa là chùa, vì thế con cầu tự là đứa con nhờ cầu ở chùa mà có được.
Trong kinh Địa Tạng, Đức Phật dạy người phụ nữ mang thai đọc tụng kinh điển và vâng lời kinh dạy mà làm việc phúc thì đứa con ấy sinh ra được tốt đẹp hiếu thuận, quỷ thần còn hộ vệ giúp cho lúc sinh nở được vuông tròn, tốt đẹp. Đa phần chúng ta là con cầu tự, mẹ nào đến chùa cũng cầu Phật phù hộ cho con, sinh được cháu mạnh khỏe, mang thai bình an, cháu sinh ra được vuông tròn khỏe mạnh ngoan ngoãn hiếu hạnh”.
Bên cạnh đó, mọi người nên bỏ quan điểm rằng vì con cầu tự nên không dám nặng lời hay thực sự dạy dỗ nó như những đứa trẻ bình thường khác.
Đến khi có được đứa con cầu tự, xem nó như con trời, con Phật, con vua cháu chúa, bố mẹ chỉ biết nuông chiều, cung phụng, nâng như nâng trứng hứng như hứng hoa, không bao giờ dám đả động, mắng mỏ, dạy dỗ. Chính vì thế, những đứa trẻ này cũng sinh ra tinh tướng, kiêu căng, ngạo mạn, dễ biến thành người xấu…
4. Con cầu tự khó nuôi nên cần bán khoán vào chùa đúng hay sai?
Những cháu bé hay ốm đau, ngoài đời người ta gọi là khó nuôi, phải lên chùa bán khoán cho cụ Đức Ông. Gia đình thấy cụ mặt đỏ, râu dài nên nghĩ là phải đem cút rượu, con gà lên cúng cụ.
Nhưng đâu có biết cụ là ông Cấp Cô Độc, là đệ tử Phật giữ Ngũ giới không uống rượu thịt bao giờ. Và cụ cũng chính là người đã từng bỏ không biết bao nhiêu triệu đồng tiền vàng để mua đất cúng dường Đức Phật và Tăng đoàn.
Thế nhưng có rất nhiều người không biết, bảo bán khoán con cho Đức Ông ở chùa rồi thì con không phải là của mình nữa. Con có ốm đau gì thì trách móc, bắt tội tại cụ. Điều đó là hoàn toàn không đúng.
Nghi thức bán khoán chỉ là một việc giúp cho cháu bé và gia đình được kết duyên lành với Tam Bảo. Khi kết duyên với Tam Bảo, gia đình sẽ được tăng phước lành. Cho nên, trong nghi thức bán khoán các Thầy đều có lễ sơ quy cho các cháu để các cháu và bố mẹ hướng về Phật Pháp, biết tác phước cúng dường để tăng trưởng phước báu. Khi gia đình biết nương tựa vào Tam Bảo thì chư Thiên, chư Thần hộ trì cho cháu bé được an lành.
Vậy nên, bán khoán con lên chùa là Pháp kết duyên để chúng ta có duyên với Tam Bảo. Nhờ sự kết duyên ấy, chúng ta có phước báu giúp cho mọi việc đều được an lành và tốt đẹp. Theo Thiền sư Thích Trúc Thái Minh ở chùa Ba Vàng (Quảng Ninh).